ĐHĐCĐ VPBank: Thận trọng với nợ xấu, dự chia cổ tức 5% bằng tiền mặt

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của VPBank dự kiến thông qua nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án chia cổ tức năm 2024...

Chiều 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - HoSE: VPB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với tổng số đại biểu tham dự (gồm cổ đông trực tiếp tham dự và người được uỷ quyền tham dự) là 370 đại biểu, đại diện cho 6.2 tỷ cổ phần, chiếm 78.7% tổng số phiếu có quyền biểu quyết của ngân hàng.

Nợ xấu có xu hướng khó khăn trong quý I-II/2025

Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết năm 2025 là một năm ẩn chưa cả cơ hội và thách thức. Cơ hội lớn có thể nhất nhìn thấy là nền kinh tế phục hồi, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có những chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển trong đó có ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức từ nhu cầu thị trường, nền kinh tế tư nhân còn yếu và đặc biệt là chính sách vĩ mô chịu ảnh hưởng bởi quy định thuế quan của một số quốc gia. Dựa trên tình hình đó, năm 2024, ban lãnh đạo VPBank đề ra kế hoạch kinh doanh dựa trên 4 động lực đảm bảo cho sự phát triển ngân hàng bao gồm thúc đảy tăng trưởng đông bộ trên tất cả các phân khúc, giữ vững định hướng ngân hàng đa năng. 

ĐHĐCĐ VPBank: Thận trọng với nợ xấu, dự chia cổ tức 5% bằng tiền mặt- Ảnh 1.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ VPBank.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục tối ưu hoá nguồn lực, bộ máy để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận hơn 26% năm 2025. Năm nay, ngân hàng vẫn hết sức thận trọng đối với nợ xấu. 

"Nợ xấu có xu hướng tiếp tục khó khăn trong quý I, quý II và sẽ giảm dần cuối năm, chúng tôi dự kiến ngân sách dự phòng 17.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo hiệu quả ngân hàng. Năm nay, chúng tôi dự kiến duy trì nợ xấu dưới 3% và dự kiến thu hơn 3.600 tỷ đồng thu từ nợ ngoại bảng", ông Vinh thông tin. 

Ngoài ra, VPBank tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng CASA, từ nay đến cuối năm tăng hơn 100.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng muốn mở rộng hệ sinh thái đa tầng khác biệt, tạo hiệu ứng cộng hưởng, tăng cao hiệu quả của từng công ty trong Tập đoàn nhằm tối ưu hoá nguồn lực. 

VPBank tiếp tục bàn giao bắt buộc đầu năm nay, chuyển từ ngân hàng lỗ liên tục trong 20 năm vừa qua thành ngân hàng có lãi trong năm 2025.

Ngân hàng cũng thành lập ban chỉ đạo công tác đổi mới sáng tạo, tiếp tục tự động hoá, số hoá, ứng dụng công nghệ dữ liệu vào hoạt động. Năm nay dự kiến triển khai hơn 10 sáng kiến lớn về số hoá. 

Trên cơ sở đó, năm 2025, Ban lãnh đạo VPBank dự kiến trình Đại hội kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024.

Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và của Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34%). Đặc biệt, ngân hàng lên mục tiêu tăng trưởng 120% đối với lợi nhuận của FECredit, tương đương mức tăng gấp đôi từ 512 tỷ đồng lên 1.126 tỷ đồng.

Năm 2023, FECredit từng lỗ đến 3.699 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh từng chia sẻ, việc ghi nhận lỗ gần 3.700 tỷ đồng của FE Credit đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của ngân hàng. Ông Vinh nhận định đây là "điểm tối" của ngân hàng trong năm 2023.

Ngoài ra, năm nay, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất tăng 23% lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tiến đạt 742.311 tỷ đồng, tăng 34%. Ông Vinh thông tin, theo tiến độ hiện tại, chỉ trong vòng 1-2 tháng nữa, tổng tài sản của ngân hàng sẽ vượt 1 triệu tỷ đồng. 

VPBank cũng đề ra kế hoạch dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt 887.724 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Ngân hàng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng trên là mức tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân. Số liệu thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Kết thúc quý I/2025, VPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 17,9% so với cùng kỳ lên gần 13.356 tỷ đồng, ngân hàng báo lãi trước thuế tăng 20% lên gần 5.015 tỷ đồng.

Kết thúc tháng 3/2025, tổng tài sản ngân hàng đã tăng 7,6% so với đầu kỳ lên 994.037 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 5,4% lên 729.969 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng tăng 13,7% lên 552.374 tỷ đồng.

Chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5%

Ngoài kế hoạch kinh doanh, VPBank cũng dự kiến trình đại hội về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024. Theo đó, năm 2024, ngân hàng báo lãi sau thuế gần 15.987 tỷ đồng.

Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5%, mức chi cổ tức dự kiến là gần 3.967 tỷ đồng. Thời điểm dự kiến chia trong quý II - III/2025, thời điểm cụ thể do HĐQT ngân hàng quyết định.

VPBank lãi hơn 5.000 tỷ đồng trong quý I/2025VPBank tham vọng tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng, FE Credit lãi gấp đôi

Bên cạnh đó, đại hội năm nay cũng sẽ thực hiện bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025 - 2030. 

Theo đó ngân hàng dự kiến sẽ bầu ra 8 thành viên HĐQT, trong đó có ít nhất hai thành viên độc lập, hai phần ba tổng số thành viên phải là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành VPBank.

Đối với Ban Kiểm soát, ngân hàng dự kiến bầu ra 5 thành viên, trong đó một thành viên làm trưởng ban và phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

Thông tin trên website, HĐQT của VPBank hiện có 7 thành viên, trong đó ông Ngô Chí Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ban Kiểm soát của ngân hàng gồm ba thành viên, trong đó bà Kim Ly Huyền là Trưởng Ban Kiểm soát.

Theo tài liệu đại hội, có một số nội dung chưa được thực hiện trong năm 2024 bao gồm chủ trương phát hành, bán cổ phiếu ESOP; phương án đầu tư góp vốn hợp tác liên kết liên doanh; thành lập chi nhánh văn phòng đại diện, phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức riêng lẻ cho một số nhà đầu tư và thông qua đồng ý xuất toán các khoản nợ đã dử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đáp ứng điều kiện.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/dhdcd-vpbank-than-trong-voi-no-xau-du-chia-co-tuc-5-bang-tien-mat-a10489.html