Lộ diện 'ngôi sao' sáng nhất của nông sản Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm nay đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất siêu đạt trên 5 tỷ USD. Đáng chú ý, cà phê đang trở thành hiện tượng nổi bật nhất với giá trị xuất khẩu lên tới 3,8 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo ông Trần Gia Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý I vừa qua là một giai đoạn đáng nhớ của ngành nông nghiệp khi ghi nhận mức tăng trưởng 3,74% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ USD, trong đó nông sản chiếm 11 tỷ USD, lâm sản hơn 5 tỷ USD và thủy sản 3 tỷ USD. Sản phẩm chăn nuôi và đầu vào sản xuất cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 16,8% và 20%.

Đáng chú ý, có tới có 6 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước.

Lộ diện 'ngôi sao' sáng nhất của nông sản Việt Nam- Ảnh 1.

Trong 4 tháng đầu năm, có tới 6 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh minh họa: IT.

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường đạt được nhiều kết quả khả quan khi giá trị xuất khẩu sang các khu vực như châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đều tăng mạnh.

Đặc biệt, châu Phi ghi nhận mức tăng kỷ lục 78 % so với cùng kỳ năm trước. Thị trường châu Âu tăng 37%, còn châu Mỹ tăng 12 %, thể hiện rõ sự chuyển hướng linh hoạt và đúng đắn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Dù vậy, vẫn còn một số thách thức đặt ra. Xuất khẩu sang khu vực châu Á - thị trường chủ lực - giảm nhẹ hơn 1%. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để duy trì vị thế cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong bốn tháng đầu năm đạt gần 16 tỷ USD, tăng 16,6%. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu như thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và đầu vào sản xuất đều có mức tăng hai chữ số. Mặc dù vậy, việc duy trì mức xuất siêu hơn 5 tỷ USD vẫn là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh chi phí đầu vào và logistics còn nhiều áp lực.

Cà phê là 'ngôi sao' sáng nhất

Trong số các mặt hàng xuất khẩu mạnh trong 5 tháng đầu năm, cà phê đang trở thành hiện tượng nổi bật nhất với giá trị xuất khẩu lên tới 3,8 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Thành công này không chỉ đến từ sản lượng, mà đặc biệt nhờ giá xuất khẩu trung bình tăng vọt lên gần 5.700 USD/tấn - cao hơn tới 67,5% so với năm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh sức hấp dẫn ngày càng lớn của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Lộ diện 'ngôi sao' sáng nhất của nông sản Việt Nam- Ảnh 2.

Xuất khẩu cà phê tăng vọt trong 4 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: IT.

Không kém cạnh, ngành tôm cũng thể hiện sức bật mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 28 %. Gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì vai trò là ngành hàng chủ lực khi đạt giá trị xuất khẩu 5,2 tỷ USD, tăng gần 6 %. Trong khi đó, cao su đạt trên 860 triệu USD (tăng 19%), hạt tiêu và hạt điều cũng có mức tăng trưởng khả quan nhờ giá bán bình quân tăng trên 60% ở một số mặt hàng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng đều có kết quả khả quan. Gạo - vốn là một trong những trụ cột xuất khẩu - lại bất ngờ giảm 14%, chỉ còn 1,8 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo trung bình cũng sụt giảm mạnh 20%, chỉ còn 514 USD/tấn.

Tương tự, hàng rau quả cũng ghi nhận mức giảm 14%, còn 1,6 tỷ USD. Điều này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Trước những biến động phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ, ổn định giá cả và phát triển thị trường.

Theo ông Trần Gia Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ đang tập trung hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống logistics cho nông sản đến năm 2030, hướng dẫn điều tiết kế hoạch sản xuất và xử lý sự cố an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các nỗ lực đàm phán mở rộng thị trường, nhất là tại Anh và Đức, cũng đang được đẩy mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng bản tin tiêu thụ nông sản định kỳ nhằm cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho doanh nghiệp và địa phương, đồng thời báo cáo sát sao tình hình thương mại nông sản với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/lo-dien-ngoi-sao-sang-nhat-cua-nong-san-viet-nam-a11861.html