Đại biểu Quốc hội lo ngại "công ty ma" lợi dụng khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm

Ngày 16-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khi đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Quốc hội lo ngại "công ty ma" lợi dụng khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường sáng nay 16-5. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Trần Hoàng Ngân dành sự quan tâm cho nội dung cải thiện môi trường kinh doanh được nêu trong dự thảo nghị quyết. Hiện nay, chúng ta đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Để đạt được điều này, theo ông Ngân, cần phải có các giải pháp rất đặc biệt. Trong đó, cần có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên mô hình doanh nghiệp.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Điều 5 dự thảo quy định nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh. Đây là nội dung các doanh nhân rất quan tâm, nhất là trong vấn đề làm rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, cũng như phân định giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính.

Vị đại biểu đoàn TP HCM đề nghị Chính phủ nên rà soát lại toàn bộ những bộ luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, các nghị định của Chính phủ, các thông tư của bộ ngành. "Việc rà soát những quy định này là điều rất quan trọng với các doanh nhân"- đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Về chính sách, hỗ trợ lãi suất, đại biểu cho rằng cần quy đinh rõ ràng hơn, để giải ngân cho doanh nghiệp. Bởi trong thời gian qua, có nhiều chính sách liên quan đến lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn nhưng khi thực thi đạt kết quả không như kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội lo ngại "công ty ma" lợi dụng khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu đồng tình với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh. "Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất"- bà Nga phát biểu.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Hải Dương lo ngại nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các "công ty ma" lợi dụng.

Theo đại biểu Nga, Thực tế đã cho thấy, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp "ma" xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỉ đồng.

Do đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: Liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-cong-ty-ma-loi-dung-khi-chuyen-sang-co-che-hau-kiem-a13285.html