Sáng 9/7, tại Diễn đàn “Công nghiệp xanh: Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững”, các nghiên cứu đã chỉ ra khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15 - 25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng.
Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Samsung, Nike… đều đặt ESG và Net Zero là tiêu chí bắt buộc khi lựa chọn đối tác.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh – bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Net Zero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là cơ hội để đất nước vừa bứt phá về kinh tế, vừa từng bước xây dựng một nền tảng phát triển bền vững.
“Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên việc chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển hạ tầng hiện đại.
Đây là cách giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng dài hạn", ông Hùng nhấn mạnh.
Một trong những nguyên lý nền tảng của tăng trưởng xanh, theo ông Hùng, là khả năng “tách rời” giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải. Nghĩa là nền kinh tế có thể mở rộng nhưng không nhất thiết phải đánh đổi bằng việc khai thác tài nguyên cạn kiệt hay gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là xu hướng mà nhiều quốc gia tiên tiến đang theo đuổi.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đang mở ra một không gian phát triển mới, đặc biệt cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng hay cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường sẽ nắm giữ lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi các tiêu chuẩn xanh ngày càng trở thành “giấy thông hành” bắt buộc vào các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu hay Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với hàng loạt rào cản như thiếu vốn đầu tư ban đầu, hạn chế về nhận thức và năng lực quản trị, cùng với đó là khoảng trống trong khung pháp lý và chính sách hỗ trợ.
Nếu không được nhìn nhận đúng đắn, tăng trưởng xanh dễ trở thành gánh nặng thay vì động lực. Ngược lại, nếu được tiếp cận như một chiến lược đổi mới và đầu tư dài hạn, đây sẽ là cú hích quan trọng cho sự phát triển đột phá.
TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra một số thị trường bền vững tại Việt mang tính “thay đổi cục diện” như sản xuất năng lượng tái tạo, hydro xanh, và cụm công nghiệp sạch.
Với tiềm năng hơn 1.000 GW năng lượng tái tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất hydro xanh cạnh tranh về chi phí. Việc hình thành các cụm công nghiệp xanh – nơi doanh nghiệp lớn và nhỏ chia sẻ hạ tầng và nguồn năng lượng sạch – sẽ tạo ra hệ sinh thái mới giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó là yêu cầu xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, ông Minh cũng chia sẻ Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phát thải gắn với thúc đẩy công nghiệp xanh.
TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV).
Trước hết, cần hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, đồng thời lồng ghép mục tiêu xanh vào chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là chính sách tài chính và chuyển giao công nghệ.
Việc đổi mới khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, với trọng tâm là khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển xanh và chuyển đổi số. Các chính sách hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cần sớm đi vào thực tế.
“Phát triển tín dụng xanh cần được thúc đẩy thông qua hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa nguồn vốn và xây dựng thị trường tín chỉ carbon, hướng tới vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon chính thức từ năm 2028”, ông Minh nói.
Cuối cùng, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố nền tảng. Cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh và ESG trong doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – trường đại học để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của thị trường lao động.
Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/xanh-hoa-cong-nghiep-la-giay-thong-hanh-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-a22295.html