Từng được coi là 'át chủ bài' của ngành xe điện, quốc gia châu Á có trữ lượng niken lớn nhất thế giới bất ngờ gặp khó, nguồn cung ngày một eo hẹp

Kỳ vọng vào bùng nổ xe điện từng khiến niken thành "át chủ bài" trong chiến lược công nghiệp của Indonesia. Tuy nhiên, giá niken lao dốc và nguồn cung quặng eo hẹp đang đẩy ngành này vào khủng hoảng.

Từng được coi là 'át chủ bài' của ngành xe điện, quốc gia châu Á có trữ lượng niken lớn nhất thế giới bất ngờ gặp khó, nguồn cung ngày một eo hẹp- Ảnh 1.

Indonesia – quốc gia nắm giữ trữ lượng niken lớn nhất thế giới – đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép trong ngành công nghiệp kim loại chiến lược này. Giá niken trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) hiện đã chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm, đe dọa tính khả thi của hàng loạt dự án luyện kim và hàng chục nghìn việc làm trong nước.

Sau khi cấm xuất khẩu quặng thô từ năm 2020 nhằm thu hút đầu tư vào chế biến sâu, Indonesia đã nhanh chóng vươn lên thống lĩnh thị trường niken tinh luyện toàn cầu. Theo Macquarie, nước này hiện chiếm gần 2/3 tổng sản lượng niken tinh chế thế giới – một mức tăng ấn tượng so với chỉ 6% cách đây một thập kỷ.

Tuy nhiên, chính làn sóng đầu tư ồ ạt vào hàng chục nhà máy luyện kim mới đang khiến ngành công nghiệp này rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng: cầu về quặng vượt xa cung. Một quan chức chính phủ thừa nhận: "Nguồn cung từ khai thác hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu khổng lồ từ các nhà máy."

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà máy luyện niken đang cắt giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động. Các tập đoàn lớn như Tsingshan Holding (Trung Quốc) đã giảm sản lượng tại khu công nghiệp Morowali trên đảo Sulawesi – trung tâm luyện kim lớn nhất nước này. Các công ty như Huadi Nickel Alloy và Wanxiang Nickel Indonesia cũng được cho là đã dừng một số dây chuyền sản xuất.

Theo Hiệp hội Khai thác Niken Indonesia (APNI), ít nhất 70 công nhân đã bị sa thải chỉ riêng tại liên doanh Huadi – PT Duta Nikel Sulawesi. Nước này hiện có 49 lò luyện điện quay (RKEF) và 5 nhà máy HPAL xử lý quặng niken chất lượng thấp thành vật liệu dùng cho pin, với hàng chục dự án khác đang xây dựng hoặc xin giấy phép.

Thêm vào đó, giá quặng niken thô trong nước tăng cao do cạnh tranh nguồn cung khiến chi phí đầu vào của các nhà máy tăng mạnh, làm giảm lợi nhuận hoặc đẩy một số đơn vị vào cảnh thua lỗ. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi chính phủ tăng thuế bản quyền khai thác, tạo thêm áp lực chi phí cho các nhà tinh luyện.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt – đặc biệt là mưa lớn kéo dài tại Sulawesi – cũng khiến hoạt động khai thác gián đoạn, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm quặng.

Một số công ty đang phải tìm kiếm nguồn quặng thay thế từ nước ngoài. Năm ngoái, Indonesia đã nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn quặng niken từ Philippines. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đang xin giấy phép khai thác riêng để tự đảm bảo chuỗi cung ứng.

Ngành niken của Indonesia còn đối mặt với rủi ro từ sự thay đổi công nghệ. Dù từng kỳ vọng mạnh mẽ vào nhu cầu từ thị trường xe điện, hiện tại pin sử dụng niken đang mất dần thị phần vào tay pin lithium sắt phosphate (LFP) rẻ hơn. Tăng trưởng doanh số xe điện toàn cầu cũng có dấu hiệu chậm lại, khiến triển vọng tiêu thụ niken trở nên kém tích cực hơn.

Trước tình hình này, APNI và nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ tạm dừng cấp phép đầu tư mới trong lĩnh vực niken, nhằm bảo vệ nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy hiện hữu. Dù chính phủ Indonesia vẫn tỏ ra lạc quan và khẳng định các động thái hiện tại sẽ không cản trở chiến lược phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn, tâm lý bất an đang lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Với giá niken tiếp tục sụt giảm và cạnh tranh ngày càng gay gắt, những "canh bạc lớn" vào ngành công nghiệp kim loại này đang đứng trước phép thử nghiệt ngã.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/tung-duoc-coi-la-at-chu-bai-cua-nganh-xe-dien-quoc-gia-chau-a-co-tru-luong-niken-lon-nhat-the-gioi-bat-ngo-gap-kho-nguon-cung-ngay-mot-eo-hep-a22572.html