Nhiều doanh nghiệp khất nợ trái phiếu: Kinh doanh khởi sắc chưa đủ “gỡ áp lực”

Nhiều doanh nghiệp khất nợ trái phiếu dù kinh doanh khởi sắc, khi áp lực đáo hạn trái phiếu lớn khiến dòng tiền và tài chính gặp khó khăn.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chịu áp lực đáo hạn lớn, không ít doanh nghiệp vẫn chưa thể thu xếp được nguồn trả nợ – dù có trường hợp đã ghi nhận doanh thu tăng, thậm chí có lãi. 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2025, thị trường ghi nhận 7 mã trái phiếu chậm thanh toán gốc và/hoặc lãi, với tổng giá trị lên tới 5.224 tỷ đồng. 

Con số này càng trở nên đáng chú ý khi mà chỉ trong 6 tháng cuối năm, toàn thị trường sẽ đối mặt với 131.601 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó riêng nhóm bất động sản chiếm hơn 53%, tương đương gần 70.000 tỷ đồng.

Áp lực trả nợ là rõ ràng, song danh sách doanh nghiệp khất nợ vẫn tiếp tục nối dài. Đáng chú ý, không ít trong số đó không phải là những cái tên đang lỗ hay đình trệ hoạt động, mà ngược lại, vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng, có lãi, nhưng vẫn chưa thể trả đúng hạn các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu. 

Khởi sắc vẫn chưa đủ để trả nợ

Trường hợp của Công ty TNHH Thành phố Aqua – chủ đầu tư dự án Aqua City và là công ty thuộc hệ sinh thái của Novaland là ví dụ điển hình. dù đã ghi nhận lãi trở lại trong năm 2024, nhưng đến hạn ngày 22/6/2025, vẫn chưa thể thanh toán 502 tỷ đồng nợ gốc của lô trái phiếu TPACH2025004, chỉ trả được gần 12 tỷ đồng tiền lãi. 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, Thành phố Aqua đạt lợi nhuận sau thuế gần 547 tỷ đồng trong năm qua, sau 2 năm liên tiếp báo lỗ. 

Tuy nhiên, tổng nợ phải trả vẫn ở mức cao, lên tới 11.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản gần như đi ngang ở mức 12.600 tỷ đồng, phản ánh việc doanh nghiệp chưa thể cải thiện rõ rệt dòng tiền, dù kết quả kinh doanh đã có dấu hiệu hồi phục. 

Một trường hợp khác là Công ty CP Phần mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) – đơn vị công nghệ duy nhất trong danh sách các doanh nghiệp khất nợ trái phiếu trong tháng 6/2025. 

Theo công bố thông tin, Bkav Pro chưa thể thanh toán 163,2 tỷ đồng tiền gốc và 8,9 tỷ đồng lãi cho lô trái phiếu BKPCB2124001 đáo hạn ngày 26/5/2025, dù đã được gia hạn một lần vào giữa năm 2024. 

Trước đó, công ty cũng đã mua lại một phần trái phiếu trị giá 6,73 tỷ đồng. Dù gặp khó trong thanh toán, năm 2024, Bkav Pro báo lãi sau thuế gần 41 tỷ đồng – gấp đôi so với năm trước, và vốn chủ sở hữu tăng gần 19% lên 261,4 tỷ đồng. 

Tổng nợ phải trả ở mức 183 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Điều này cho thấy dù hoạt động kinh doanh đã khởi sắc, nhưng doanh nghiệp vẫn khó xoay xở dòng tiền để trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Nhiều doanh nghiệp khất nợ trái phiếu: Kinh doanh khởi sắc chưa đủ “gỡ áp lực”- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc chưa đủ “gỡ áp lực” vay nợ.

Tình trạng chậm thanh toán trái phiếu cũng diễn ra tại CTCP Bất động sản BNP Global. Lô trái phiếu BNPCH2123002 trị giá 2.100 tỷ đồng, dù đã được gia hạn từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2025, nhưng đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể thanh toán 1.206,8 tỷ đồng nợ gốc. 

BNP Global cho biết chỉ mới thanh toán một phần lãi phạt gần 6,4 tỷ đồng và đang tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư. 

Trong khi đó, tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 lại cho thấy sự cải thiện nhẹ, với lợi nhuận sau thuế hơn 4 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 18 tỷ cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy vậy, vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm còn 882 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ở mức 23.550 tỷ đồng – gấp hơn 26 lần vốn, với dư nợ trái phiếu chiếm 1.217 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ nên "lỡ hẹn" trả nợ trái phiếu

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp vẫn đang thua lỗ và cũng chưa có khả năng trả nợ như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL).

Từ đầu năm 2025 đến nay, Novaland đã khất nợ hàng loạt lô trái phiếu như NVLH2123007, NVLH2123011, NVLH2224006, NVLH2123014… với tổng dư nợ trái phiếu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp dồn dập mua lại trái phiếu trước hạnNovaland chậm thanh toán 861 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếuBất động sản vẫn áp lực đáo hạn trái phiếu nửa cuối năm 2025

Diễn biến này xảy ra khi doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý I/2025, với doanh thu hợp nhất đạt 1.778 tỷ đồng – tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ bàn giao sản phẩm tại các dự án NovaWorld Phan Thiết, Aqua City, Sunrise Riverside… 

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn ghi nhận khoản lỗ sau thuế 476 tỷ đồng, dù đã cải thiện so với mức lỗ 601 tỷ đồng cùng kỳ 2024.

Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Novaland ở mức 234.800 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 63% cơ cấu và tổng nợ phải trả vẫn ở mức cao, lên tới 185.950 tỷ đồng, cho thấy đòn bẩy tài chính lớn và áp lực trả nợ không nhỏ đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Tương tự, CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát cũng đang chật vật với các khoản nợ vay từ kênh trái phiếu.

Hai lô trái phiếu DPJCH2224001 và DPJCH2224002 với tổng giá trị gần 970 tỷ đồng của công ty này đều trong tình trạng không thể thanh toán lãi. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đại Thịnh Phát ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 7,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 9,6 tỷ. Tổng nợ phải trả lên đến hơn 1.418 tỷ đồng, riêng nợ trái phiếu chiếm tới 966 tỷ đồng cho thấy gánh nặng tài chính rất lớn.

Thực tế cho thấy, khất nợ trái phiếu không chỉ là hệ quả của thua lỗ, một số doanh nghiệp dù ghi nhận lãi, thậm chí có cải thiện kết quả kinh doanh so với trước, vẫn không thể đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/nhieu-doanh-nghiep-khat-no-trai-phieu-kinh-doanh-khoi-sac-chua-du-go-ap-luc-a22820.html