Một công ty đề xuất làm đường sắt vượt biển nối Cần Giờ với Vũng Tàu

Trong bối cảnh Tp.HCM vừa thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính, việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm Tp.HCM qua Cần Giờ đến Vũng Tàu (cũ) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Mới đây, Công ty Tư vấn Quốc tế enCity có đề xuất kéo dài tuyến đường sắt nối từ Phú Mỹ Hưng (quận 7 cũ) - Cần Giờ đến Vũng Tàu (cũ). Tuyến đường sắt này không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông liên vùng mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.

Để hiện thực hóa tuyến kết nối này, cần xây dựng một công trình vượt biển, có thể kết hợp giữa cầu và hầm, nhằm vượt qua khu vực biển giữa Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).

Vị trí làm hầm vượt biển, dự kiến sẽ nằm tại khu vực có luồng chính tàu bè qua lại, để tránh việc làm cầu có tĩnh không quá lớn. Phương án đang được đề xuất là thiết kế công trình kết hợp giữa đường sắt và đường bộ, cho phép sử dụng chung hạ tầng nhằm tối ưu hóa chi phí đầu tư và hiệu quả khai thác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Nên, chuyên gia cao cấp về Quy hoạch giao thông, Công ty Tư vấn Quốc tế enCity (đơn vị tư vấn làm các quy hoạch chung TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh TP.HCM vừa thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính, việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm TP qua Cần Giờ đến Vũng Tàu (cũ) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Kết nối này không chỉ tạo hành lang phát triển chiến lược về phía biển mà còn giúp hình thành một quần thể đô thị - cảng - logistics - dịch vụ - du lịch liên hoàn, có năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực ven biển phía Nam Tp.HCM, mở ra không gian phát triển mới, phù hợp với định hướng chiến lược dài hạn của thành phố.

Bên cạnh đó, việc mở rộng TP.HCM qua sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo tiền đề cho một siêu đô thị với tiềm năng lớn về dịch vụ, công nghiệp, logistics và du lịch. Một hệ thống đường sắt đô thị và liên vùng đồng bộ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc rút ngắn thời gian kết nối giữa các đô thị ngoại vi và trung tâm TP.HCM, tăng cường liên kết quốc gia và quốc tế, và trực tiếp góp phần định hình một siêu đô thị có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Chia sẻ trước đó, TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho hay, việc xây dựng cầu/hầm vượt biển Cần Giờ là một ý tưởng táo bạo, đặc biệt trong bối cảnh mới. Nếu được thực hiện, công trình này có thể trở thành đòn bẩy quan trọng giúp phát triển khu đô thị mới Cần Giờ nói riêng, Tp.HCM mới trong tương lai.

Tuy nhiên, theo vị này, từ ý tưởng đến hiện thực là một hành trình dài, đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Trong đó, ba yếu tố then chốt cần được nghiên cứu kỹ lưỡng là: thời điểm triển khai, nguồn lực thực hiện và bối cảnh kinh tế - xã hội phù hợp.

Thực tế, 8 năm trước, lãnh đạo huyện Cần Giờ, TP.HCM (cũ) đã có ý tưởng đề xuất kết nối Cần Giờ với Tp.Vũng Tàu bằng cầu vượt biển dài 17 km hoặc hầm vượt biển dài 25 km. Ý tưởng về cầu/hầm vượt biển nối hai địa phương trước khi sáp nhập đã nhiều lần được bàn bạc nhưng đến nay vẫn chưa có bước triển khai cụ thể nào khác.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/mot-cong-ty-de-xuat-lam-duong-sat-vuot-bien-noi-can-gio-voi-vung-tau-a23310.html