Triển vọng cổ phiếu Chứng khoán VNDirect và HSC trước kỳ vọng nâng hạng

Việc nâng hạng thị trường sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn ngoại, hai công ty chứng khoán như VNDirect và HSC sẽ được hưởng lợi từ điều này với thị phần môi giới lớn.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Beta: Nhịp điều chỉnh trong phiên 15/7 là cần thiết sau giai đoạn tăng nóng, nhằm củng cố mặt bằng giá mới và tạo nền tảng cho những nhịp bứt phá tiếp theo. 

Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng với việc mua đuổi tại vùng giá cao, thay vào đó nên chủ động tận dụng những phiên điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng ở các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc và triển vọng lợi nhuận sáng trong quý II. Song song đó, việc hiện thực hóa lợi nhuận tại các mã đã đạt kỳ vọng cũng là chiến lược hợp lý, giúp tái tạo sức mua và nâng cao tính chủ động trong các cơ hội sắp tới.

Triển vọng cổ phiếu Chứng khoán VNDirect và HSC trước kỳ vọng nâng hạng - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 15/7 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Diễn biến ngắn hạn cho thấy VN30 đang có rủi ro đạt đỉnh nhịp tăng mạnh này và có thể chuyển sang giai đoạn mới, điều chỉnh tích lũy, cập nhật kết quả kinh doanh quý II. Một phần áp lực điều chỉnh đến từ áp lực bán ngắn hạn của VIC, VHM... khi gặp kháng cự đỉnh năm 2021 sau giai đoạn tăng giá mạnh đột biến. 

Với những diễn biến như hiện nay, nhà đầu tư nên ưu tiên theo dõi các áp lực bán giá cao, xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS): VN-Index có thể chuyển sang trạng thái giằng co, tích lũy trong ngắn hạn trước khi tiếp diễn xu hướng tăng. Mặt khác, VN-Index đã hình thành mô hình Cup & handle (thuận) biểu thị cho xu hướng tăng trung hạn với tiềm năng lý thuyết hướng tới 1.600 điểm, nhịp điều chỉnh lành mạnh sẽ mở ra cơ hội giải ngân với mức giá hợp lý.

Khuyến nghị đầu tư

- VND (CTCP Chứng khoán VNDirect): Chờ mua.

Thị phần môi giới trên sàn HoSE của VNDirect có sự tăng đáng kể từ 5,26% lên 6,36% trong quý II/2025. TCBS đánh giá triển vọng năm 2025 của công ty có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, thanh khoản thị trường tăng cao, kỳ vọng nâng hạng trong 9/2025.

Công ty mới thông qua việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng từ quý IV/2025, điều này giúp công ty mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, TCBS cho rằng với mức P/E quanh 17x, cao hơn trung bình dài hạn, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi và chưa nên giải ngân ở thời điểm hiện tại.

Triển vọng cổ phiếu Chứng khoán VNDirect và HSC trước kỳ vọng nâng hạng - Ảnh 2.Cổ đông ôm VND nhiều năm vẫn âm, CEO VNDirect nói "chưa bán thì chưa lỗ"ĐỌC NGAY

- HCM (CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HSC): Mua ở vùng giá 24.200 đồng/cổ phiếu.

Gần đây, Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước thúc đẩy các biện pháp cần thiết để gỡ bỏ các vướng mắc pháp lý, giúp thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng trong tháng 9/2025.

TCBS kỳ vọng, việc nâng hạng thị trường sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn ngoại - công ty chứng khoán hàng đầu như HSC sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Quý II/2025, công ty tiếp tục nằm trong top 5 thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HSX. Bên cạnh đó, kỳ vọng dòng tiền từ phát hành thêm 3.600 tỷ đồng sẽ là tiền đề để công ty mở rộng thêm các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần tỉ trọng của mình vào cổ phiếu này.

- BAF (CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam): Nắm giữ với giá mục tiêu 37.800 đồng/cổ phiếu.

CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) nhận định Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ hoàn toàn được nguồn nguyên liệu đầu vào và vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu như ngô hạt, đậu tương, đạm động vật, bột xương…

BAF sản xuất thức ăn chăn nuôi với nguyên liệu chủ yếu là ngô, khô đậu tương và lúa mỳ được nhập từ Nam Mỹ, Mỹ và Biển Đen. Thức ăn chăn nuôi là cấu phần chiếm tới 70% giá thành sản xuất trong ngành chăn nuôi heo, do đó biến động giá nguyên vật liệu là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Theo đó, giá nhập khẩu các nguyên vật liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương, lúa mì, ngô đều đang ở vùng thấp trong vòng 3 năm trở lại đây - là một yếu tố hỗ trợ giúp giá thức ăn chăn nuôi duy trì ổn định, từ đó hỗ trợ cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi.

Về giá, tại thời điểm đầu tháng 7, giá heo hơi trên cả nước dao động trong khoảng từ 67–70.000 đồng/kg, bình quân cả nước ở mức 67.000 đồng/kg.

Giá heo rục rịch tăng từ giữa năm 2024, một phần do các quy định về vùng chăn nuôi và tiêu dùng phục hồi, hiện tại đang neo ở mức 67–70.000 đồng/kg. Với tình hình con giống khan hiếm như hiện tại thì nguồn cung sẽ khó tăng mạnh, vì vậy SSV cho rằng giá heo được duy trì cho đến hết năm 2025, là một yếu tố hỗ trợ duy trì biên lợi nhuận gộp tốt cho các doanh nghiệp chăn nuôi.

Đáng chú ý là BAF định hướng ngưng hoàn toàn hoạt động kinh doanh nông sản từ năm 2025 để tập trung toàn bộ nguồn lực phát triển mảng chăn nuôi. Số liệu quý I/2025 cho thấy công ty không còn ghi nhận doanh thu từ kinh doanh nông sản. Toàn bộ doanh thu quý I/2025 đều đến từ mảng chăn nuôi, đồng thời biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 25,8% (so với cùng kỳ là 10,3%).

Với chiến lược đẩy mạnh nhân rộng quy mô đàn mà BAF đang theo đuổi, SSV kỳ vọng doanh thu mảng chăn nuôi của BAF trong năm 2025 tăng trưởng 58,5% lên mức 5.274 tỷ đồng với giả định sản lượng heo thương phẩm tăng lên 841.070 con.

Đồng thời biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 24,1% nhờ: Hoàn toàn tập trung nguồn lực vào mảng chăn nuôi; Giá heo bình quân năm 2025 tăng 5% so với năm trước.

Tuy nhiên, không còn ghi nhận doanh thu từ mảng nông sản nên tổng doanh thu thuần sụt giảm nhẹ so với 2024. Theo đó, SSV khuyến nghị giữa BAF với giá mục tiêu 37.800 đồng/cổ phiếu.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/trien-vong-co-phieu-chung-khoan-vndirect-va-hsc-truoc-ky-vong-nang-hang-a23316.html