95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, đâu là lối thoát?

Thực tế chỉ ra rằng, nhà đầu tư chưa tin vào chuyên gia mà tin vào bản thân nhiều hơn nên đã dẫn đến hầu hết hành động trên thị trường đang bị yếu tố tâm lý và đám đông chi phối.

 Tuổi thọ đầu tư trung bình chỉ vỏn vẹn 2 năm  

Chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" diễn ra vào sáng 17/7, bà Nguyễn Ngọc Linh - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán DNSE cho biết, trong quá trình tiếp xúc, công ty nhận thấy nhà đầu tư cá nhân có những hạn chế về yếu tố cá nhân, đầu tư ngắn hạn, chưa tin vào chuyên gia mà tin vào bản thân nhiều hơn.

Do vậy, hầu hết hành động trên thị trường đang bị yếu tố tâm lý và đám đông chi phối. Chính vì thế có một thống kê là 95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, tuổi thọ trung bình nhà đầu tư tham gia thị trường rất ngắn, họ chỉ tham gia 2 năm và thua lỗ nên rời bỏ thị trường.

"Khi DNSE đi làm thị trường, phát triển nhà đầu tư cá nhân thì cảm thấy tiếc khi mà nhà đầu tư đã tham gia vào câu chuyện đầu tư, tiếp cận tài chính thông minh mà trong 2 năm bơi, vật lộn trong thị trường, không có nơi để tiếp sức cho họ thì khá tiếc", bà Linh chia sẻ.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cũng chỉ ra thực tế rằng, nhà đầu tư luôn luôn mong muốn đạt lợi nhuận cao nhất nhưng đối mặt kèm theo rủi ro, ví dụ khi thị trường đang tăng cao họ nghĩ sẽ tăng tiếp, thị trường có thể tăng cao hơn.

95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, đâu là lối thoát?- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Tổng giám đốc VCBF.

"Một nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là mua thấp bán cao, nhưng khi thị trường thấp thì chúng ta không mua bởi sợ rằng sẽ thấp hơn, khi thị trường cao chúng ta sẽ nghĩ nó sẽ cao hơn nhưng nếu mua sẽ rủi ro cao hơn, khiến lợi nhuận giảm đi", bà Nga nói.

Nhà đầu tư nói có thể bán đi trước khi có thông tin làm nên rủi ro hệ thống, nhưng liệu khi giảm có mua lại không và khi tăng vượt giá bán càng không mua, dẫn đến lỡ luôn sóng sau này.

Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư rất quan trọng, cần hướng nhà đầu tư đầu tư dài hạn, dài hạn không phải 1 năm mà là từ 5-10 năm.

Giải pháp nào để đầu tư an toàn hơn?

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, giáo dục đào tạo cần thiết từ góc độ Chính phủ, công ty chứng khoán. Nhưng với 99,98% nhà đầu tư cá nhân và 85% nhà đầu tư tin vào tin đồn thì ông băn khoăn việc đào tạo đến bao giờ để đạt sự chuyên nghiệp như công ty chứng khoán.

Trước tiên, ông Hiếu rất muốn phát triển dịch vụ trung gian để nâng cao năng lực nhà đầu tư cá nhân, người muốn kiếm tiền mà ít thời gian tìm hiểu, rủi ro thấp.

Điều ông Hiếu muốn nói đến là dịch vụ quản lý gia sản, tư vấn tài chính rất cần thiết, mà theo ông quan sát rằng hiện nay Việt Nam chưa có hoặc chưa được chứng nhận. 

Thứ hai, nếu không nâng cao được năng lực cá nhân thì nên đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Có một số việc cần làm để quỹ đầu tư phát triển là kích cầu, tăng độ hấp dẫn cho quỹ thông qua chính sách thuế, đa dạng hóa quỹ và sản phẩm cũng phải đa dạng.

95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, đâu là lối thoát?- Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội.

Phía cung, ông cho rằng phải tạo được thị trường cạnh tranh giữa các quỹ. Có 3 điều cần làm là nghiên cứu lại rào cản gia nhập thị trường; khung thể chế cao hơn về báo cáo, minh bạch thông tin; đa dạng hóa hoạt động của các quỹ tạo sức ép cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm.

Trong 2 cái cung và cầu, ông cho rằng nên bắt đầu từ cung, người tiêu dùng khôn ngoan thì cái gì tốt sẽ vào. Việc cần làm luôn hiện nay là rà soát pháp lý việc gia nhập ngành của các quỹ. Tiếp theo, quy định hoạt động của quỹ từ tiêu chuẩn, tiêu chí báo cáo, giám sát tài chính… Về cầu, một việc phải làm là phát triển thị trường quản lý tài sản cá nhân.

Nói về ngành quỹ ở Việt Nam, ông Nguyễn Công Minh - Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán cho biết, đã phát triển khoảng 10 năm gần đây, tư tưởng khi xây dựng hệ thống luật pháp cho ngành quỹ là tuân thủ theo quốc tế, từ mô hình có các cấp giám sát, đến thiết kế sản phẩm, giới hạn danh mục đầu tư.

Cơ hội lớn cho quỹ mở trong “hệ sinh thái” tài chính mới

Đến thời điểm này, ông Minh nhìn nhận rằng phải có tính toán rộng hơn khi ngành quỹ có 125 quỹ, tổng giá trị danh mục quản lý khoảng 765.000 tỷ, NAV khoảng 94.000 tỷ. Đến thời điểm hiện tại, những quỹ ETF, quỹ mở chiếm giá trị tài sản trong ngành quỹ khoảng hơn 80%, đây là những loại hình quỹ có tính chất linh hoạt trong đầu tư, đảm bảo an toàn, minh bạch thông tin.

Hiện Ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán đang xây dựng đề án tái cấu trúc nhà đầu tư, và đang đi đến những bước cuối cùng để trình Bộ tài chính.

Trong đó, có nhiều nội dung đáng chú ý như xây dựng khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho việc hoạt động của các quỹ đầu tư về mặt danh mục đầu tư, giới hạn đầu tư.

Hai là thiết kế loại hình quỹ mới, chỉ số đầu tư. Cùng với đó là nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ, hiện có 43 công ty quản lý quỹ, nhưng các quỹ thực sự có hoạt động đầu tư, có vận hành danh mục đầu tư hiện quả thì không nhiều.

Nội dung tiếp theo là đa dạng hóa kênh phân phối, trong đó đề xuất ngân hàng trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ thì không phải mới, thời gian tới sẽ nghiên cứu và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/95-nha-dau-tu-dang-bi-thua-lo-dau-la-loi-thoat-a23561.html