Theo thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam , bức tranh vận tải trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy tín hiệu tích cực, khi tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên cả nước đạt khoảng 573,5 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hàng container đạt gần 16 triệu TEU, tăng 8%.
Bên cạnh hàng hóa, bức tranh tài chính của nhiều doanh nghiệp cảng biển Việt Nam cũng hiển thị những con số lạc quan thấy rõ. Theo đó, trong số các doanh nghiệp ngành cảng biển đã công bố Báo cáo tài chính quý II, cũng như kết quả kinh doanh bán niên năm 2025, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhất, với mức doanh thu đạt gần 66,4 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 170% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 10 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Cảng Nghệ Tĩnh tăng gần 9% so với nửa đầu năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt gần 14,4 tỷ đồng, tăng gần 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết, trong quý II sản lượng hàng hóa qua cảng tăng, kéo theo doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 170% so với cùng kỳ.
Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt hơn 410,5 tỷ đồng, tăng gần 17%; lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng hơn 33%. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 181 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu nhờ sản lượng hàng hóa qua cảng tăng hơn 14%, kéo theo doanh thu dịch vụ tăng tương ứng.

Cảng Đà Nẵng. Ảnh: Danangport.
Cùng đạt kết quả khả quan, Công ty CP Cảng Đồng Nai cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, trong quý II doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 392 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 125,5 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm của Cảng Đồng Nai cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu 746 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt gần 225 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với nửa đầu năm 2024.
Không cùng gam màu sáng như các doanh nghiệp nêu trên, trong quý II, doanh thu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ giảm 22% so với cùng kỳ, xuống còn 148 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn 67,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng hàng hóa thông qua cảng này giảm so với cùng kỳ.
Theo lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Cảng Đình Vũ đạt gần 307 tỷ đồng, giảm hơn 10%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 132 tỷ đồng, giảm gần 10% so với nửa đầu năm trước. Doanh nghiệp nhận định, với kết quả vừa nêu thì họ chỉ mới thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 35% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Cảng Đình Vũ, TP. Hải Phòng. Ảnh: Dinhvuport.
Cùng nỗi sầu với Cảng Đình Vũ, Công ty CP Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% còn dưới 280 tỷ đồng vì sản lượng hàng hóa thông qua cảng giảm. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm 10%, xuống còn 39,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Cảng Quy Nhơn đều giảm 13% so với nửa đầu năm trước, đạt lần lượt 531 tỷ đồng và đạt hơn 65 tỷ đồng.
Cảng Chân Mây cũng gặp khó khăn trong quý II năm nay khi doanh thu đạt khoảng 94 tỷ đồng, giảm gần 18%; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 21%. Dẫu vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 14,5 tỷ đồng, tăng 25% nhờ kết quả kinh doanh quý 1 khả quan.
Chứng khoán FPTS nhận định, sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng cao, nhờ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hồi phục và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Dẫu vậy, áp lực dư thừa công suất khi các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm cảng biển sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cảng biển Việt Nam thời gian tới.
Theo Công điện số 113/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 về thực hiện các giải pháp phát triển hiệu quả vận tải đường thủy thúc đẩy phát triển logistics trong lĩnh vực vận tải, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần quy hoạch cảng biển đảm bảo tính liên thông, đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Ưu tiên đầu tư, cải tạo nâng cấp luồng tuyến chính, các cảng biển trọng điểm, đặc biệt tại vùng kinh tế động lực (Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long); hoàn thành trong tháng 9 năm nay.