Vàng miếng SJC lại bị làm giá?

Sau nhiều tháng thu hẹp, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với vàng thế giới lại nới rộng, lên tới cả chục triệu đồng/lượng.

Ông Phan Dũng Khánh
Ông Phan Dũng Khánh
Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank
13 bài viết
Có thể điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất
Tại: Phải kéo giá vàng SJC về sát giá thế giới!

Cuối ngày 16-4, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 115,5 triệu đồng/lượng (giá bán ra), tăng 7,5 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày. Một số tiệm vàng nhỏ lẻ đẩy giá bán vàng SJC lên tới 116 - 118 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng lại giãn rộng

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - 2 doanh nghiệp vàng lớn nhất TP HCM - đồng loạt niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 99,99 cũng tăng lên 110,5 triệu đồng/lượng mua vào và 113,5 triệu đồng/lượng bán ra, tức tăng 7,5 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày.

Một số tiệm vàng nhỏ hơn ở TP HCM như Minh Hồng bán vàng miếng SJC tới 116,5 triệu đồng/lượng, còn thu vào ở mức 113,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chuỗi tiệm vàng của Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Thẩm tại khu vực ĐBSCL niêm yết giá vàng SJC lên tới 118,5 triệu đồng/lượng bán ra và 112 triệu đồng/lượng mua vào. Tuy nhiên, nhân viên tại chi nhánh Ngọc Thẩm ở Trung tâm Thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết cả 2 chi nhánh ở Cần Thơ chỉ còn duy nhất 1 lượng vàng SJC. "Nhẫn tròn trơn đã hết sạch vì khách mua rất nhiều" - nhân viên này nói.

Vàng miếng SJC lại bị làm giá?- Ảnh 1.

Người dân chờ mua vàng tại trụ sở Công ty SJC (quận 3, TP HCM) ngày 16-4. Ảnh: LAM GIANG

Điều đáng nói, giá vàng trong nước tăng chóng mặt, biến động từng giờ, trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh, dễ dàng vượt mốc 3.300 USD/ounce và tiến thẳng lên 3.303 USD/ounce vào cuối ngày (theo giờ Việt Nam), tức khoảng 103,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại tăng nhanh và mạnh hơn rất nhiều, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng tới hàng chục triệu đồng/lượng.

Kỳ vọng giá vàng tiếp tục tăng và nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy nhiều người xếp hàng mua vàng ở những tiệm vàng lớn trên cả nước. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại trụ sở Công ty SJC (quận 3, TP HCM) cho thấy lượng khách ra vào rất đông, chủ yếu là người mua. 

Từ trưa 16-4, nhân viên Công ty SJC đã thông báo người có nhu cầu mua vàng miếng SJC phải điền thông tin vào phiếu chờ, công ty sẽ gọi lại khi có vàng. Riêng vàng nhẫn trơn 99,99, mỗi khách chỉ được mua 0,5 chỉ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Dù vậy, khu vực chờ mua vàng miếng luôn đông đúc, trong khi thỉnh thoảng mới có người đến bán vàng với số lượng ít.

Chị Ngọc Thanh (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết đang chờ mua 2 lượng vàng miếng SJC nhưng được nhân viên thông báo là hết vàng khiến chị thất vọng. "Giá thay đổi liên tục muốn chóng mặt. Lúc 14 giờ 45 phút, giá là 113 triệu đồng/lượng, đến 15 giờ lên 115 triệu đồng/lượng. Trong chớp mắt đã tăng 2 triệu đồng" - chị Thanh chia sẻ.

Tại TP Hà Nội, nhiều người cũng xếp hàng trước các tiệm vàng như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… bất chấp thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm khiến việc bán vàng chỉ diễn ra theo từng thời điểm trong ngày. Có lúc khách chỉ được mua 1 chỉ vàng mỗi ngày.

Theo ghi nhận, lượng người bán vàng rất ít, dẫn đến việc các cửa hàng cũng không có đủ nguồn cung để bán. "Chỉ khi thu mua được từ người dân, cửa hàng mới có vàng để bán" - một nhân viên tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông, TP Hà Nội cho biết.

Chị Thu Hằng (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) tiếc nuối vì chốt lời không đúng thời điểm. Đầu tháng 3, chị bán 5,3 lượng vàng nhẫn với giá 92 triệu đồng/lượng, hiện giá mua vào đã lên đến 112 triệu đồng/lượng. "Tôi đã mất hơn 100 triệu đồng chỉ sau một tháng" - chị buồn rầu nói.

Đà tăng có bất thường?

Theo các chuyên gia, đà tăng của giá vàng thế giới chủ yếu đến từ lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đang đối mặt mức thuế 245% đối với hàng hóa nhập vào Mỹ. Tình trạng này khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định giá vàng trong nước tăng mạnh một mặt là vì nhiều người kỳ vọng giá còn tăng tiếp, đặc biệt là vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Điều này khiến chênh lệch giá vàng nội địa và thế giới ngày càng nới rộng. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương, trong đó có Trung Quốc, đã trở lại mua vàng sau thời gian gián đoạn. Lo ngại lạm phát kéo dài, đồng USD suy yếu càng hỗ trợ cho giá vàng tăng.

Theo ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý AJC (TP Hà Nội), xu hướng giá vàng trong nước đang phụ thuộc lớn vào biến động của thị trường thế giới và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Ông cảnh báo giá vàng trong nước đang có dấu hiệu "tăng nóng", với mức chênh lệch lên tới 10 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, tiềm ẩn rủi ro cao.

Trước sự tăng vọt bất thường, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu vàng miếng SJC có đang bị làm giá? Ông Phan Dũng Khánh nhận định sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ổn định thị trường vàng, chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể, từ 18 - 20 triệu đồng xuống còn 2 - 3 triệu đồng/lượng. "Hiện mức chênh lệch lại lên cả chục triệu đồng nhưng đây mới chỉ là diễn biến vài ngày. Cần theo dõi thêm, chưa nên can thiệp ngay" - ông Khánh nói. 

Vàng thế giới liên tục phá đỉnh

Ngày 16-4, giá vàng lần đầu vượt mốc 3.300 USD/ounce trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh điều tra khả năng áp thuế mới đối với khoáng sản nhập khẩu vào Mỹ.

Giá vàng giao ngay tăng lên mức 3.314 USD/ounce, thậm chí chạm đỉnh lịch sử 3.317 USD/ounce trước khi hạ nhiệt đôi chút. Giới đầu tư lo ngại các chính sách thuế quan của Mỹ và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ cắt giảm lãi suất, khiến tâm lý e ngại rủi ro gia tăng.

Ông Trump cũng yêu cầu xem xét việc áp thuế đối với các mặt hàng dược phẩm và chip, nhằm đối phó sự phụ thuộc Trung Quốc - nước dẫn đầu trong ngành này. Động thái này càng làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.

Ông Ole Hansen, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank (Đan Mạch), nhận định: "Cuộc chiến thương mại chưa hạ nhiệt. Nhà đầu tư chuyển sang vàng để tránh rủi ro, rút khỏi thị trường chứng khoán".

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết các quỹ ETF vàng tại Trung Quốc đã hút dòng tiền lớn trong tháng này, cho thấy nhu cầu phòng vệ tài chính đang tăng mạnh tại châu Á.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) ngày 16-4 đã nâng dự báo giá vàng cuối năm lên 3.600 USD/ounce, dự báo trong 6 tháng tới là 3.500 USD/ounce. Chỉ số USD (DXY) suy yếu càng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với người mua nước ngoài. "Việc nâng dự báo giá vàng là do thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái, căng thẳng địa chính trị, nợ công gia tăng và xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoài đồng USD của các ngân hàng trung ương. Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn bất ổn toàn cầu" - ông Hansen nói thêm.

X.Mai


Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/vang-mieng-sjc-lai-bi-lam-gia-a8521.html