Nhiều giải pháp ngừa lách luật tiền lương

Người lao động thiệt thòi quyền lợi khi tiền lương bị doanh nghiệp chia thành nhiều khoản nhỏ

Yêu cầu tính các khoản bồi thường do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) căn cứ trên mức thu nhập thực tế là 25 triệu đồng/tháng nhưng mới đây, bà L.T.L - quản đốc phân xưởng Công ty TNHH A.V (tỉnh Bình Dương) - chỉ được tòa công nhận mức lương 5,834 triệu đồng/tháng. Việc này dẫn đến quyền lợi bà nhận được thấp hơn nhiều so với yêu cầu.

Thiệt thòi quyền lợi

Bà L. làm việc tại Công ty A.V từ tháng 1-2023 với mức lương ghi trong HĐLĐ là 5,834 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, giấy đề nghị thanh toán tiền lương và các phiếu lương thực nhận mà bà cung cấp cho tòa thể hiện mỗi tháng là 25 triệu đồng (nhận bằng tiền mặt).

Cuối tháng 7-2023, Công ty A.V cho bà L. nghỉ việc mà không báo trước. Cho rằng bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định, bà khởi kiện đòi doanh nghiệp (DN) bồi thường các khoản theo quy định với tổng số tiền hơn 501 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Bình Dương xét xử vừa qua, đại diện Công ty A.V khẳng định mức tiền lương hằng tháng của bà L. là 5,834 triệu đồng. Các phiếu lương, giấy đề nghị thanh toán mà bà cung cấp không phải của công ty ban hành, do không có dấu mộc.

Nhiều giải pháp ngừa lách luật tiền lương- Ảnh 1.

Tiền lương đóng BHXH đang được điều chỉnh để tiệm cận với tiền lương thực nhận của người lao động

Tòa xác định theo HĐLĐ, thu nhập của bà L. gồm lương (5,834 triệu đồng/tháng) và tiền thưởng căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc, tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty. Khoản tiền thưởng bà chỉ được hưởng khi trực tiếp tham gia quá trình hoạt động sản xuất và căn cứ mức độ hoàn thành công việc cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh của DN. Như vậy, việc bà L. yêu cầu công ty bồi thường theo mức lương 25 triệu đồng/tháng là không có căn cứ.

Từ nhận định này kèm theo hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định của Công ty A.V, tòa tuyên buộc DN phải bồi thường cho bà L. tổng số tiền 113 triệu đồng. Trước đó, bà L. cũng đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giải quyết với mức 3,5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập thực tế cao nhưng hưởng quyền lợi thấp là thực trạng mà bà Phạm Thanh Thảo - tổ trưởng chuyền may của một công ty may mặc tại huyện Hóc Môn, TP HCM - cũng gặp phải. Thu nhập thực tế của bà là 16 triệu đồng/tháng, trong đó lương cơ bản 6 triệu đồng, khoản tiền còn lại quy vào các khoản thưởng chuyên cần, năng suất; trợ cấp xăng xe, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ...

"Mới đây, khi sinh con thứ 2, tôi được hưởng chế độ thai sản 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế trước đó. Do vậy, tôi không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian nghỉ nuôi con nhỏ" - bà Thảo cho hay.

Kiểm soát chặt chẽ

Theo các chuyên gia lao động, việc lương trên HĐLĐ một đằng nhưng thực tế nhận một nẻo (cao hơn nhiều) có nguyên nhân chính xuất phát từ việc DN, thậm chí cả NLĐ, muốn giảm bớt chi phí đóng BHXH. Điều này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi NLĐ và còn gây thất thu quỹ BHXH.

Để hạn chế tình trạng này, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) về BHXH bắt buộc, Bộ Nội vụ đã đề xuất cụ thể hơn đối với các khoản phải đóng BHXH. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định là lương tháng theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả.

Trong đó, mức lương tháng theo công việc hoặc chức danh do NSDLĐ xây dựng theo quy định tại điều 93 Bộ Luật Lao động, được thỏa thuận trong HĐLĐ. Phụ cấp lương là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương nêu trên chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong HĐLĐ. Các bổ sung khác là khoản xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương, được thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác, như thưởng theo quy định tại điều 104 Bộ Luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ sinh nhật, có thân nhân chết, có người thân kết hôn; trợ cấp NLĐ khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng quy định về các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác có thể dẫn đến tình trạng NSDLĐ xây dựng cơ chế tiền lương theo năng suất lao động để tránh đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Do đó, ban soạn thảo nghị định cần nghiên cứu lại quy định để bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Đại diện UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất nên có quy định mức % tối đa của tổng thu nhập từ các khoản phụ cấp và bổ sung khác so với mức lương theo công việc, chức danh. Quy định này nhằm tránh việc NSDLĐ trích phần lớn thu nhập vào phụ cấp, trợ cấp để giảm mức đóng BHXH của NLĐ. 

Điều chỉnh, hoàn thiện

Theo Bộ Nội vụ, căn cứ đóng BHXH bắt buộc đang đi theo xu hướng chung và từng bước được điều chỉnh, hoàn thiện nhằm bảo đảm tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiệm cận với tiền lương thực nhận của NLĐ.

Luật BHXH 2024 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước được kế thừa quy định hiện hành, đồng thời quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.


Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/nhieu-giai-phap-ngua-lach-luat-tien-luong-a8734.html