SJC đẩy mạnh kế hoạch doanh thu, muốn gia công lại hơn 20.000 lượng vàng miếng

Giá vàng biến động mạnh, SJC đặt mục tiêu doanh thu 2025 tăng gần 16% so với kế hoạch 2024 nhưng lại thận trọng với kế hoạch lợi nhuận sau năm lãi lớn.

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi sau năm lãi lớn

Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa có báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 34.898 tỷ đồng, tăng gần 16% so với kế hoạch năm 2024 là 30.145 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này dự định gia công lại 20.074 lượng vàng miếng SJC móp méo và 503.858 món nữ trang. SJC đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần hơn 118,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 89 tỷ đồng. Kế hoạch trên cho thấy sự thận trọng của doanh nghiệp trong năm nay khi đặt mục tiêu lợi nhuận giảm sau năm 2024 lãi lớn.

Cụ thể, năm 2024, SJC ghi nhận lợi nhuận hơn hơn 283 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với mức 61 tỷ đồng của năm 2023, vượt xa mục tiêu 70 tỷ đồng mà doanh nghiệp mà doanh nghiệp đề ra năm 2024. Bên cạnh đó, SJC cũng ghi nhận doanh thu 32.193 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh năm 2024 của SJC tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng năm 2024 liên tục có những biến động. Từ mức 70 triệu đồng/lượng đầu năm, giá vàng đã lập đỉnh kỷ lục ở mức 92 triệu đồng/lượng vào hồi tháng 5 và liên tục giữ ở mốc 90 triệu đồng/lượng thời gian sau đó.

Ngày 18/4, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 117 triệu đồng - 120 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với đỉnh của năm ngoái, vàng hiện tại đã tăng thêm 28 triệu đồng, tương đương tăng khoảng 30% giá trị.

Doanh thu vẫn bỏ xa lợi nhuận

Dù vậy, có một điểm đáng chú ý rằng dù doanh thu lên đến chục nghìn tỷ đồng, mỗi năm, doanh nghiệp này vẫn chỉ thu về khoản lãi mỏng và không thể quay trở về thời kỳ hoàng kim.

Với ưu thế độc quyền kinh doanh vàng miếng, hàng năm, SJC luôn ghi nhận doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2011, SJC đã từng ghi nhận doanh thu toàn hệ đạt 111.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, đến năm 2012, mức doanh thu của công ty đã thụt lùi về mức 72.051 tỷ đồng và đến năm 2013, doanh thu thậm chí giảm 62% so với năm trước xuống 27.464 tỷ đồng.

Mỏi mắt tìm nơi bán vàng miếng SJCĐi đâu mua vàng miếng SJC?

Năm 2014 là vùng trũng của SJC khi doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu chạm đáy về mức 16.037 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 3 năm, doanh thu của công ty đã giảm 7 lần.

Đến giai đoạn từ năm 2015 trở đi, hoạt động kinh doanh SJC dần hồi phục trở lại. Doanh thu của công ty vượt 20.000 tỷ đồng vào năm 2016 và luôn ổn định trên mức này. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường vàng miếng bị quản lý chặt chẽ, giá vàng cũng liên tục biến động, kết quả kinh doanh của SJC vẫn không thể quay trở lại như trước.

Trong khi doanh thu lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, lợi nhuận của công ty vẫn chỉ dao động ở mức vài chục tỷ đồng/năm và từ năm 2014 đến 2023 vẫn chưa thể vượt mốc 100 tỷ đồng.

95% tồn kho là thành phẩm và hàng hoá

Một điểm đáng chú ý khác là lượng hàng tồn kho của SJC qua từng năm. Từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp này luôn có khoảng 1.000 tỷ đồng tồn kho.

Năm 2023 doanh nghiệp này ghi nhận hơn 1.447 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó chỉ có chưa đến 7 tỷ đồng là nguyên vật liệu. Còn lại là thành phẩm và hàng hóa chiếm 1.387 tỷ đồng, tương đương 95%.

SJC đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 84 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dự phòng giảm giá hàng tồn kho thành phẩm là gần 67 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính của SJC, đơn vị kiểm toán độc lập đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với khoản trích lập này. Theo đó, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo biên bản lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31/12/2023 do công ty tự đánh giá.

Với những tài liệu hiện tại SJC cung cấp, công ty kiểm toán không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá này với số tiền lũy kế đến ngày 31/12/2023 là hơn 83,9 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 25,9 tỷ đồng), số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,8 tỷ đồng.

Đưa thương hiệu SJC tiếp cận Đông Nam Á

Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh, trong năm 2025, SJC cũng cho biết trong những năm tiếp theo, công ty định hướng tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh chính và đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang SJC; phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất kinh doanh nữ trang, mở rộng phát triển thị trường kinh doanh theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM.

Đồng thời hoàn thành xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND Tp.HCM giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 2916 ngày 29/8/2022 kế hoạch phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2022-2025".

SJC đẩy mạnh kế hoạch doanh thu, muốn gia công lại hơn 20.000 lượng vàng miếng- Ảnh 1.

SJC muốn mở rộng thị trường, đưa thương hiệu SJC tiếp cận khu vực Đông Nam Á.

SJC cũng đề ra mục tiêu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao; mở rộng thị trường, đưa thương hiệu SJC tiếp cận khu vực Đông Nam Á; xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực.

Đồng thời, giữ vững "Thương hiệu quốc gia" do Bộ Công Thương cấp chứng nhận; phát triển thương hiệu SJC và thương hiệu nữ trang SJC trở thành doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất kinh doanh nữ trang; đào tạo bồi dưỡng kiến thức về trang sức và kỹ năng bán hàng cho đội ngũ mậu dịch viên.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/sjc-day-manh-ke-hoach-doanh-thu-muon-gia-cong-lai-hon-20000-luong-vang-mieng-a8817.html