Nước ASEAN thông báo nợ giảm nhẹ, hiện vượt 30% GDP

Tốc độ tăng nợ chậm lại.

Nước ASEAN thông báo nợ giảm nhẹ, hiện vượt 30% GDP- Ảnh 1.

Nợ nước ngoài của Indonesia đã giảm nhẹ xuống còn 427,8 tỷ USD vào tháng 2 năm 2025, so với mức 427,9 tỷ USD của tháng trước, theo thông báo từ Ngân hàng Trung ương nước này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Indonesia cho biết nợ nước ngoài vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tốc độ tăng đã chậm lại so với mức tăng 5,3% vào tháng 1/2025.

Người phát ngôn của Ngân hàng Indonesia, ông Ramdan Denny Prakoso, cho biết sự chững lại này là do giảm nợ ở cả khu vực công và tư. Một yếu tố khác là đồng USD đang mạnh lên.

"Tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của chúng ta đã giảm từ 30,3% xuống còn 30,2%", ông Ramdan nói.

Nợ dài hạn vẫn chiếm tới 84,7% tổng nợ nước ngoài của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tính đến tháng 2 năm nay, Chính phủ Indonesia đang nợ 204,7 tỷ USD nợ nước ngoài, giảm nhẹ so với mức 204,8 tỷ USD của tháng 1.

Theo ông Ramdan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển từ trái phiếu Chính phủ sang các công cụ đầu tư khác trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng. Khoảng 22,6% nợ nước ngoài của Chính phủ "xứ sở vạn đảo" được dùng cho lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, tiếp theo là hành chính công và quốc phòng (17,8%), giáo dục (16,6%), và xây dựng (12,1%). Phần lớn các khoản nợ này đều có thời hạn trả dài.

Nước ASEAN thông báo nợ giảm nhẹ, hiện vượt 30% GDP- Ảnh 2.

Ngân hàng Indonesia cũng báo cáo rằng nợ nước ngoài của khu vực tư nhân hiện ở mức 194,8 tỷ USD. Các khoản vay này chủ yếu đến từ các ngành: công nghiệp chế biến, dịch vụ tài chính, năng lượng và khai thác mỏ. Khoảng 76,5% số nợ của khu vực tư nhân là nợ dài hạn.

AMRO: Chính phủ Indonesia cần có chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng

Trong một bài viết hồi tháng 3, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) đã dự báo nền kinh tế Indonesia sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ 5% vào năm 2025.

Nhà kinh tế trưởng của AMRO Sumio Ishikawa cho biết. "Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn mạnh, được hỗ trợ bởi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm việc triển khai các chương trình ưu tiên mới của chính phủ. Sự phối hợp chính sách vẫn là chìa khóa để duy trì cả sự ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh môi trường bên ngoài đầy thách thức".

Triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Indonesia, giống như các nền kinh tế thị trường mới nổi khác, có thể phải đối mặt với những rủi ro và thách thức chủ yếu bắt nguồn từ các chính sách mới của chính phủ Hoa Kỳ và căng thẳng thương mại toàn cầu tiềm tàng làm gia tăng sự bất ổn về tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Rủi ro về biến động dòng vốn và chi phí vay cao vẫn tồn tại trong bối cảnh tài chính toàn cầu có thể sẽ thắt chặt.

Có thể sẽ rất khó đạt được mục tiêu củng cố tài chính trung hạn của chính phủ khi thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ gia tăng do nhu cầu chi tiêu tăng từ các chương trình ưu tiên mới.

Những thách thức về cấu trúc dài hạn bao gồm đa dạng hóa kinh tế và vươn lên vị thế thu nhập cao, thu hẹp chênh lệch giữa các vùng và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với các lựa chọn tài trợ hạn chế.

AMRO khuyến nghị Chính phủ Indonesia nên đẩy mạnh các nỗ lực để tăng cường huy động doanh thu và ưu tiên lại chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách thuế và cải cách hành chính nên được thúc đẩy để tăng doanh thu.

AMRO hoan nghênh việc ưu tiên ngân sách bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và tăng cường mục tiêu vào các chính sách trợ cấp hiện tại để chuyển hướng các nguồn lực tài chính vào phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

AMRO cũng hoan nghênh cam kết của chính quyền Indonesia trong việc thực hiện chuyển đổi nợ theo các nguyên tắc chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, đồng thời duy trì kỷ luật thị trường và tính toàn vẹn để tránh gián đoạn thị trường. Các nỗ lực thu hút nhà đầu tư trái phiếu và làm sâu sắc thêm thị trường trái phiếu chính phủ nên được ưu tiên.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/nuoc-asean-thong-bao-no-giam-nhe-hien-vuot-30-gdp-a9037.html