Nhà đầu tư để sẵn 97.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1

Chỉ sau 3 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK đã tăng khoảng 24.000 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 1/2025 đạt khoảng 97.000 tỷ đồng . Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/1/2025.

Nhà đầu tư để sẵn 97.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1- Ảnh 1.

So với đầu năm, tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK đã tăng khoảng 24.000 tỷ và là số dư tiền gửi tại cuối quý cao thứ hai trong lịch sử, chỉ kém mức kỷ lục ghi nhận vào thời điểm cuối quý 1/2024 (khoảng 104.000 tỷ đồng).

VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất với hơn 21.400 tỷ đồng vào thời điểm 31/3, tăng gần 4.300 tỷ so với đầu năm. VPS hiện là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên ba sàn HoSE, HNX, UpCOM và cả phái sinh, bỏ xa các cái tên phía sau. Do đó, việc có lượng tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản vượt trội cũng là điều không quá bất ngờ.

Xếp sau vẫn là Chứng khoán TCBS ghi nhận gần 15.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng hơn 4.800 tỷ trong vòng 1 quý. Đây cũng là mức tăng tiền gửi của nhà đầu tư mạnh nhất trong vòng quý đầu năm.

Đa phần top đầu đều có sự tăng trưởng mạnh về khoản mục này so với đầu năm. Hai tên tuổi SSI và VNDirect với số dư tiền gửi của nhà đầu tư lần lượt 7.900 tỷ và 6.800 tỷ đồng. Cũng có gần 4.400 tỷ tiền gửi của NĐT tại MBS và hơn 4.00 tỷ đồng tiền nhà đầu tư "nằm chờ" tại Mirae Asset.

Nhà đầu tư để sẵn 97.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1- Ảnh 2.

Cùng chiều, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tiếp tục xác lập kỷ lục mới với khoảng 280.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD) vào cuối quý 1, tăng đột biến 35.000 tỷ trong vòng 3 tháng đầu năm. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 273.000 tỷ đồng và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Không những vậy, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước cũng liên tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 3/2025, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9,6% dân số.

Trên thực tế, bối cảnh thị trường chứng khoán trong quý đầu năm 2025 tương đối sôi động. Thanh khoản khớp lệnh liên tục cải thiện sau giai đoạn ảm đảm cuối năm trước, bình quân giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 3 tháng liên tiếp dù trải qua đợt nghỉ Tết, đến tháng 3 vượt mức 18.000 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư để sẵn 97.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1- Ảnh 3.

Nhìn một cách tổng thể, thị trường chứng khoán được tin tưởng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 với nhiều yếu tố ủng hộ. Năm 2025, mục tiêu phấn đấu đã được đặt ra rất rõ ràng với quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không những đem lại nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam, các chủ thể tham gia thị trường nói riêng; mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung, kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư như dòng tiền ngoại tích cực hơn.

Bên cạnh đó, dù có nhiều biến động trước nhiều tác động từ tình hình kinh tế, thương mại, địa chính trị thế giới, Chính phủ nước ta vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Với các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Cùng với đó, với giải pháp cải cách, đổi mới của Chính phủ, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, hỗ trợ tích cực cho đà phát triển của doanh nghiệp trong năm tới.

Mới nhất, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC và Thông tư số 96/2020/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mới để hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán diễn ra thông suốt, an toàn, vừa phù hợp với tính năng của Hệ thống KRX, vừa đảm bảo tiêu chí nâng hạng.

Dự kiến Thông tư này sẽ sớm được trình Bộ Tài chính để xem xét ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Việc ban hành Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn là rất cần thiết để kịp thời gian dự kiến vận hành chính thức của Hệ thống KRX vào đầu tháng 5 tới, khi hệ thống này có nhiều tính năng mới so với hệ thống hiện tại.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/nha-dau-tu-de-san-97000-ty-dong-nam-cho-tai-cac-cong-ty-chung-khoan-vao-cuoi-quy-1-a9109.html