Sáng 22/4, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (HoSE: VAF) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh và lộ trình di dời nhà máy.
Dự kiến chi phí xây dựng lên tới hàng trăm tỷ
Phát biểu tại sự kiện, ông Văn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Phân lân Văn Điển báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024. Theo đó, năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.220 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.
Nhờ giá vốn hàng bán tăng chậm hơn doanh thu, lợi nhuận gộp của Phân lân Văn Điển đạt 280 tỷ đồng, tương đương mức tăng 12% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 60,8 tỷ đồng, giảm 4%.
Ông Văn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Phân lân Văn Điển.
Dù vậy nhưng so với kế hoạch đề ra, Phân lân Văn Điển vẫn hoàn thành thành mục tiêu. Do đó, do đó ĐHĐCĐ đã đề xuất nâng mức chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền từ lên tỉ lệ 10%/mệnh giá và được cổ đông thông qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Văn Hồng Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn thách thức trong năm qua, bao gồm khó khăn từ lao động, do số lao động không tăng nhưng khối lượng công việc tăng cao nên áp lực của công nhân là rất lớn.
Bên cạnh đó năm 2024 công ty còn gặp nhiều ảnh hưởng đến từ xung đột địa chính trị, ảnh hưởng do mưa bão rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cũng như cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Về mục tiêu năm 2025, Phân lân Văn Điển thông qua kế hoạch sản xuất 265.000 tấn phân bón trong năm 2025, bao gồm 235.000 tấn phân lân và 30.000 tấn phân NPK các loại.
"Thời gian hiện tại, công ty không có hàng sản xuất để bán, khách hàng đã trả tiền trước để chờ mua phân bón. Bên cạnh đó, giá của công ty cũng cao hơn nếu so với các sản phẩm cùng lợi ở các công ty khác, dao động từ 200.000 đồng - 700.000 đồng/tấn sản phẩm", ông Sơn nói.
Về kế hoạch kinh doanh, Phân lân Văn Điển đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 1.259 tỷ đồng trong năm 2025, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt 60 tỷ đồng, giảm 21%. Mức cổ tức dự chi cho cổ đông trong năm 2025 là 8%.
Bên cạnh đó, công ty cũng dự tính dành 12,6 tỷ đồng dành cho chi phí sửa chữa lớn và 10,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Theo ông Văn Hồng Sơn, đây là mức dự kiến, nếu triển khai thực hiện tốt thì số 10,2 tỷ đồng sẽ còn tăng cao, lên mấy trăm tỷ.
Lý do được vị này đưa ra là công ty hiện đang có nhiều dự án do đó trong năm 2025 sẽ còn phải trả tiền thuê đất để triển khai các bước tiếp theo.
Di dời nhà máy tại Thanh Trì: Bắt buộc để tồn tại và phát triển
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã dành thời lượng đáng kể để bàn về kế hoạch di dời nhà máy tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông Văn Hồng Sơn – Giám đốc công ty cho biết: Theo quy hoạch chung của huyện Thanh Trì đến năm 2030, khu vực mà nhà máy hiện đang đặt trụ sở và sản xuất sẽ được chuyển đổi thành vùng vành đai cây xanh và công ích. Do đó, không còn chỗ cho hoạt động công nghiệp, và công ty buộc phải di dời.
"Thời gian không còn nhiều, việc đầu tư xây dựng và di chuyển nhà máy đến địa điểm mới là hết sức cấp thiết. Đây là công tác bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của công ty", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Phạm Ngọc Thạch – Thành viên HĐQT Phân lân Văn Điển.
Cung cấp thêm thông tin tại ĐHĐCĐ, ông Phạm Ngọc Thạch – Thành viên Hội đồng Quản trị, cho biết: Theo Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 5/1/2021 của UBND thành phố Hà Nội, công ty được thuê 85.000 m² đất tại xã Tam Hiệp và thị trấn Văn Điển (Thanh Trì) làm trụ sở và cơ sở sản xuất phân bón. Tuy nhiên, hình thức thuê đất là trả tiền hàng năm, không được thuê dài hạn, đồng thời phải giữ nguyên hiện trạng đất và sẵn sàng bàn giao nếu Nhà nước có quyết định thu hồi.
"Điều này đồng nghĩa việc sử dụng đất hiện tại chỉ mang tính tạm thời, không có sự đảm bảo lâu dài. Bất cứ lúc nào Thành phố ra quyết định thu hồi, công ty đều phải chấp hành. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như định hướng phát triển bền vững trong tương lai", ông Thạch phân tích.
Trước thực tế đó, Hội đồng Quản trị đã trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương đầu tư một dự án di dời nhà máy. Dự kiến, dự án sẽ triển khai tại tỉnh Thanh Hóa hoặc một địa điểm phù hợp khác, với quy mô từ 22–25 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.600–1.700 tỷ đồng.
Dưới góc độ cổ đông lớn, ông Phạm Ngọc Thạch – đại diện Công ty TNHH Hoàng Ngân đánh giá: "Áp lực hiện nay là rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để công ty vươn lên. Chúng ta có thể tận dụng thời điểm này để đổi mới dây chuyền, cải thiện công nghệ và tăng cường bảo vệ môi trường".
Ông Thạch cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Với 61 năm hoạt động, đáng lẽ quy mô công ty phải lớn hơn, nhưng hiện nay vẫn khá lẹt đẹt, bị trói chân trói tay. Nếu không chủ động đi trước, thì sẽ không còn cơ hội nào khác".
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, Phân lân Văn Điển đã thông qua việc nâng mức chi trả cổ tức năm 2024 lên 10%/mệnh giá.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Văn Hồng Sơn - Giám đốc công ty cho biết, liên quan đến việc di dời nhà máy, công ty đã tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, chi phí thuê đất tại các khu vực này đều rất cao, đồng thời lại thiếu các khu quy hoạch phù hợp với ngành hóa chất và phân bón.
Ông Sơn cũng lý giải việc hiện nay Phân lân Văn Điển vẫn do HUD4 đứng tên thuê đất là nhằm đảm bảo không để bên thứ ba sử dụng khu đất này. Lý do là toàn bộ tài sản cố định của công ty đang nằm trên phần đất đó, nên không thể để đơn vị khác thuê thay thế. Công ty đang tìm mọi cách để tiếp tục đầu tư và thuê lại đất nhằm duy trì hoạt động sản xuất.
Dự kiến, dự án di dời nhà máy sẽ được triển khai ngay sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 thông qua. Công ty sẽ khẩn trương bước vào quá trình đàm phán thuê lại đất và thực hiện các bước tiếp theo.
Về Dự án đầu tư xây dựng "Nhà máy sản xuất Phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại khi B - khu công nghiệp Bỉm Sơn Thanh Hóa", công ty cho biết đang tiếp tục tập trung giải quyết tồn tại liên quan đến dự án và hợp đồng thuê lại đất với HUD4.
Cụ thể, Phân lân Nung chảy Văn Điển cho biết, kể từ khi bản án sơ thẩm số 03/2022/KDTM-ST ngày 5/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Bỉm Sơn có hiệu lực, Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD4 chưa ký lại hợp đồng thuê đất như cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty. Vì vậy, Phân lân Nung chảy Văn Điển đã khởi kiện yêu cầu HUD4 bồi thường chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, Phân lân Nung chảy Văn Điển tiếp tục khởi kiện HUD4 để yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến hợp đồng thuê đất bị tuyên vô hiệu. Sau khi Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa quyết định chấm dứt dự án đầu tư vào ngày 18/5/2024, VAF đã đệ đơn kiện HUD4, yêu cầu bồi thường 43 tỷ đồng cho các chi phí đã đầu tư trên đất. Vụ kiện này đã được Tòa án nhân dân thị xã Bỉm Sơn thụ lý vào ngày 20/6/2024.
Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/phan-lan-van-dien-du-chi-toi-1700-ty-dong-di-doi-nha-may-tai-ha-noi-a9429.html