Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cam kết bố trí vốn và công nghệ làm đường sắt đô thị Cần Giờ

Vingroup đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP HCM với huyện Cần Giờ, tổng mức đầu tư cam kết hơn 4 tỉ USD.

Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP HCM báo cáo về đề xuất một số nội dung về đầu tư dự án đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ.

Theo đó, Vingroup cho biết việc đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có nhiều lợi thế so với đầu tư công truyền thống khi xét trên các yếu tố như chi phí chuẩn bị đầu tư, khả năng thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý của nhà đầu tư và khả năng thực hiện dự án.

Trong mô hình PPP, chi phí chuẩn bị đầu tư thường được chia sẻ giữa khu vực công và tư. Nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thiết kế và đánh giá dự án, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước. Ngoài ra, sự tham gia của tư nhân có thể tối ưu hóa chi phí nhờ vào kinh nghiệm và hiệu quả trong quản lý.

Ngược lại, nếu dự án đầu tư công, toàn bộ chi phí chuẩn bị đầu tư thường do nhà nước chịu trách nhiệm, từ nghiên cứu khả thi, thiết kế đến lập kế hoạch. Điều này có thể làm tăng gánh nặng ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực công bị hạn chế.

Theo tập đoàn này, đầu tư PPP sẽ tận dụng được nguồn vốn từ khu vực tư nhân, bao gồm vốn trong nước và quốc tế, giúp giảm áp lực lên ngân sách. Các nhà đầu tư tư nhân có thể huy động vốn thông qua vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hoặc vốn cổ phần, làm tăng tính linh hoạt trong tài trợ dự án.

"Về công nghệ, nhà đầu tư tư nhân thường mang theo công nghệ tiên tiến và hiện đại để đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận của dự án. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng hoặc y tế, nơi công nghệ đóng vai trò then chốt" – đại diện Vingroup nêu.

Về khả năng thực hiện dự án, sự tham gia của tư nhân giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhờ vào động lực lợi nhuận và khả năng quản lý hiệu quả. Hợp đồng PPP thường ràng buộc trách nhiệm cụ thể, giảm thiểu tình trạng chậm trễ hoặc vượt ngân sách...

Vì vậy, Vingroup đề xuất nếu đầu tư dự án theo hình thức PPP sẽ vượt trội hơn đầu tư công ở khả năng huy động vốn đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại, quản lý chuyên nghiệp và thực hiện dự án hiệu quả.

Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cam kết bố trí vốn và công nghệ làm đường sắt đô thị Cần Giờ- Ảnh 1.

Vingroup đề xuất nếu đầu tư dự án theo hình thức PPP sẽ vượt trội hơn đầu tư công. Ảnh: Hoàng Triều

Đáng chú ý, với siêu dự án này, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo thống kê sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỉ đồng (tương đương khoảng 4,09 tỉ USD). Tuyến đường sắt đô thị này sẽ được đầu tư theo quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa với chiều dài tuyến chính khoảng 48,5km, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250km/h; 2 ga dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7.

Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cam kết bố trí vốn và công nghệ làm đường sắt đô thị Cần Giờ- Ảnh 2.

Năng lực chuyên chở hành khách đáp ứng 30.000 - 40.000 người/hướng mỗi giờ, kết nối trung tâm TP HCM tới Cần Giờ. Ảnh phối cảnh đường sắt tốc độ cao đi Cần Giờ

Trong quá trình phát triển, Tập đoàn Vingroup đã triển khai nhiều dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỉ đồng. Vingroup cho biết muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước nói chung và TP HCM nói riêng cũng như để góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông của thành phố.

"Việc đầu tư đường sắt đô thị tốc độ cao sẽ tạo cú hích, sự bùng nổ cho phát triển du lịch, đầu tư và sự thuận lợi hơn cho người dân, khách du lịch thông qua việc rút ngắn thời gian đi lại từ trung tâm đến Cần Giờ. Mong muốn được xem xét, chấp thuận để triển khai dự án" – đại diện Vingroup phân tích.

Sở Tài chính TP HCM là đơn vị được UBND TP HCM giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức PPP. Đồng thời, tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất của Tập đoàn Vingroup về đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ và tham mưu UBND TP.

Trước đó, tại hội nghị công bố quy hoạch chung TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng gợi ý Vingroup xây dựng hệ thống tàu điện từ trung tâm TP HCM đến huyện Cần Giờ. Tập đoàn này sau đó bắt tay triển khai và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân khi mong mỏi được giảm dần thời gian di chuyển từ TP HCM đến Cần Giờ, vừa giúp phát triển du lịch vừa bảo vệ khu dự trữ sinh quyển.


Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/vingroup-cua-ti-phu-pham-nhat-vuong-cam-ket-bo-tri-von-va-cong-nghe-lam-duong-sat-do-thi-can-gio-a9654.html