BSR sắp tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng: PVN sẽ cân nhắc thoái vốn, đã trao đổi sơ bộ với NĐT từ Trung Đông

Theo BSR, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) đã chuyển hồ sơ sang Bộ Tài chính và dự kiến sẽ nhận được ý kiến phản hồi trước ngày 26/4.

Ngày 23/4/2025, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua kế hoạch lợi nhuận thận trọng cho năm 2025, đồng thời tái khẳng định trọng tâm là dự án nâng cấp mở rộng và kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Ghi nhận bởi Chứng khoán Vietcap, BSR đặt kế hoạch lãi trước thuế 837 tỷ đồng – tăng 14% ở kịch bản cơ sở và 1.300 tỷ đồng – tăng đến 71% ở kịch bản tích cực.

Vietcap cho rằng ban lãnh đạo đang thận trọng do tính biến động của ngành lọc hóa dầu. LNST thực tế của BSR thường cao hơn kế hoạch ban đầu của Công ty. LNST thực tế các năm 2018-2024 của BSR đều cao hơn 57-1.000% so với kế hoạch ban đầu của Công ty.

Thông tin đáng chú ý, BSR đang ở giai đoạn cuối của kế hoạch tăng vốn điều lệ, hiện chờ Bộ Tài chính phê duyệt. Trong đó, PVN đã phê duyệt kế hoạch nâng vốn điều lệ của BSR lên 50.000 tỷ đồng – tương đương mức tăng 61%. BSR dự kiến triển khai kế hoạch này trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lớn của Công ty.

Theo BSR, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) đã chuyển hồ sơ sang Bộ Tài chính và dự kiến sẽ nhận được ý kiến phản hồi trước ngày 26/4. Phần vốn tăng thêm sẽ được ưu tiên phân bổ cho dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án chiến lược quan trọng khác. Ban lãnh đạo xem đây là bước đi then chốt nhằm mở rộng quy mô công suất và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của BSR.

Hiện, BSR đã báo cáo vấn đề rủi ro bị hủy niêm yết lên các cơ quan chức năng và đề xuất các giải pháp tiềm năng. Theo Luật Chứng khoán sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), BSR đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do không đáp ứng điều kiện tối thiểu 10% cổ phần có quyền biểu quyết phải do ít nhất 100 cổ đông thiểu số nắm giữ.

Hiện tại, PVN đang nắm giữ 92,13% cổ phần của BSR. Theo chia sẻ từ BSR, một trong những khuyến nghị trọng yếu là PVN nên xem xét thoái vốn một phần để đáp ứng yêu cầu này. Đồng thời, BSR cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Trong đó, PVN đã có các cuộc trao đổi sơ bộ với một số đối tác quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ khu vực Trung Đông. BSR kỳ vọng sẽ thu hút được các đối tác có khả năng hỗ trợ cả về tài chính và cung cấp dầu thô cho các dự án đầu tư sắp tới.

BSR sắp tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng: PVN sẽ cân nhắc thoái vốn, đã trao đổi sơ bộ với NĐT từ Trung Đông- Ảnh 1.

Về dự án, BSR đang ở giai đoạn cuối cùng của việc hoàn tất hồ sơ thiết kế tổng thể (FEED – Thiết kế kỹ thuật cơ sở) cho dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hồ sơ thiết kế dự kiến sẽ được trình phê duyệt vào ngày 2/5, trước khi tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC (BSR dự kiến ký hợp đồng EPC vào tháng 12/2025).

BSR vẫn giữ kế hoạch đưa dự án vào vận hành thương mại vào năm 2028. Kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2025 của BSR đạt 1.700 tỷ đồng, chủ yếu phân bổ cho dự án nâng cấp và mở rộng này.

Link nội dung: https://nhiepanhvacuocsong.net/bsr-sap-tang-von-dieu-le-len-50000-ty-dong-pvn-se-can-nhac-thoai-von-da-trao-doi-so-bo-voi-ndt-tu-trung-dong-a9803.html