Theo nghiên cứu của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ ( EPA ), trong ngành giao thông vận tải, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông đường bộ là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85%. Vì thế mục tiêu giảm phát thải carbon của ngành giao thông vận tải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình giảm phát thải của các phương tiện đường bộ.
Tại Việt Nam, điện khí hóa đội xe vận tải đường bộ là chiến lược then chốt trong mục tiêu Net Zero trước năm 2050, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện được mục tiêu Net Zero thì đến năm 2030, ít nhất 50% phương tiện giao thông đô thị tại Việt Nam phải sử dụng điện và năng lượng xanh ; đến năm 2050, tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh. Song song đó, cần phát triển mạng lưới hạ tầng sạc cũng như sản xuất và lắp ráp xe điện cho năm 2030 và 2050.

Hầu hết các xe buýt nội đô đang hoạt động ở Việt Nam đều là xe chạy dầu diesel, ngoại trừ một số xe buýt xanh thí điểm ở Hà Nội và TPHCM. Ảnh: Chụp màn hình.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 9.600 xe buýt công cộng nội đô đang hoạt động, trong đó Hà Nội và TPHCM có khoảng 2.000 xe tại mỗi thành phố. Hầu hết các xe buýt nội đô đang hoạt động đều là xe chạy dầu diesel, ngoại trừ một số xe buýt xanh thí điểm ở Hà Nội và TPHCM đang sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) và xe buýt thuần điện.
WB cho rằng, từ nay đến năm 2030, 9.600 xe buýt chạy dầu diesel ở các đô thị của Việt Nam cần phải bị loại bỏ dần và thay thế bằng xe buýt thuần điện.
Tại các thành phố trực thuộc trung ương , mỗi năm cần loại bỏ gần 700 xe buýt chạy dầu diesel và dần thay thế bằng xe buýt thuần điện, riêng Hà Nội là 290 xe và TPHCM là 300 xe. Các khu vực còn lại của Việt Nam cần phải thay thế tổng cộng 716 xe buýt chạy dầu diesel đang được khai thác mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Ngoài việc chuyển đổi các xe buýt chạy dầu diesel, cần bổ sung thêm xe buýt thuần điện để đưa vào khai thác tại các thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội và TPHCM sẽ cần lần lượt khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện hoạt động, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ sử dụng phương tiện dựa trên quy mô dân số dự kiến. Số lượng xe buýt cần thiết đến năm 2030 tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ lần lượt là khoảng 850, 760 và 620 xe.

Đến năm 2030, Hà Nội và TPHCM sẽ cần lần lượt khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện hoạt động. Ảnh: Dương Lan.
Tuy nhiên WB lưu ý rằng, trước mắt việc điện khí hóa xe máy và ô tô nội đô chưa thể giải quyết được các vấn đề cấp bách về ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí cục bộ và rủi ro về an toàn đường bộ, ngay cả khi quá trình này diễn ra nhanh chóng. Vì thế, những chiếc xe buýt thuần điện ít khách sẽ khó có thể dẫn đến bất kỳ tác động giảm phát thải khí nhà kính nào, vì lượng khí thải bình quân trên đầu người từ các hoạt động vận tải trên phương tiện cá nhân vẫn không đổi.
Mặt khác, việc chuyển đổi từ xe buýt chạy dầu diesel cũ sang xe thuần điện mới đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể. Tính khả thi về tài chính của việc chuyển đổi này phụ thuộc vào các chính sách, dự án đầu tư nhằm duy trì lượng khách đang giảm dần và tăng doanh thu bán vé từ việc khai thác xe buýt công cộng. Do đó, việc chuyển đổi sang xe buýt điện phải được thực hiện song song với việc chuyển dịch nhu cầu di chuyển của người dân, từ xe máy và ô tô cá nhân sang các phương tiện công cộng .