Chuyên gia ADB: Còn quá sớm để đánh giá tác động thuế quan nhưng đây là cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), cho biết có rất nhiều việc Việt Nam có thể làm ngay để thích ứng với thuế quan như kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Chuyên gia ADB: Còn quá sớm để đánh giá tác động thuế quan nhưng đây là cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)

Ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ. Trong thời hạn 90 ngày, các nước này sẽ đồng loạt chịu mức thuế 10%; riêng đối với Trung Quốc, thuế sẽ tăng lên tổng cộng 125%.

Trước đó, Mỹ công bố sẽ áp dụng mức thuế đối ứng dao động từ 11% đến 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bắt đầu từ ngày 9/4/2025. Trong đó mức thuế với Việt Nam lên tới 46%.

Một số nhận định cho rằng việc Mỹ áp thuế đối ứng mang lại hiệu quả ngắn hạn trong việc giảm nhập siêu và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của nước này, nhưng thuế đối ứng cũng dễ kích hoạt các cuộc chiến thương mại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam - một nước có độ mở nền kinh tế thông qua chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã đạt 190%, dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài.

Vì vậy, việc nâng cao nội lực để ứng phó với biến động bên ngoài không chỉ là giải pháp ngắn hạn để thích ứng với thuế quan, mà là giải pháp dài hạn duy trì tăng trưởng bền vững.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, việc Mỹ tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại phát ra thông điệp gì?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Theo tuyên bố ban đầu từ phía Mỹ là mức thuế đối ứng sẽ có hiệu lực vào ngày mùng 9/4. Thế nhưng không có nghĩa là có hiệu lực xong thì không đàm phán nữa. Mới đây Mỹ đã đàm phán với Nhật - một nước đồng minh. Việc Mỹ lựa chọn Nhật để đàm phán đầu tiên cũng là một thông điệp, có lẽ đó là muốn được đàm phán sớm hoặc muốn có những đối xử thuận lợi hơn từ Mỹ thì phải có động thái về mặt quan hệ ngoại giao đối với Mỹ tốt hơn.

Tôi cho rằng hiệu lực thuế quan cũng chỉ là biện pháp kỹ thuật thôi. Trước khi có biện pháp thuế quan cuối cùng vẫn có thể đàm phán hoặc vẫn có thể thay đổi. Rủi ro là khi chưa rõ được mức thuế quan này sẽ tồn tại trong bao lâu và liệu có được giảm xuống hay không. Đó sẽ là những cái yếu tố làm tăng bất ổn trên thị trường.

Mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump và Chính phủ Việt Nam thành lập đoàn đàm phán thuế đối ứng với Mỹ, đây là một động thái tích cực. Thứ nhất là nó thể hiện phản ứng nhanh của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện Việt Nam có sự chuẩn bị.

Kết quả của quá trình đàm phán còn phụ thuộc nhiều yếu tố và Việt Nam không hoàn toàn kiểm soát được. Vì vậy có những biện pháp nằm trong tầm kiểm soát mà Việt Nam có thể triển khai luôn như kích cầu nội, cải cách trong nước, bao gồm cả cải cách thể chế và cải cách về môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở trong nước.

Ông có thể phân tích rõ hơn về các biện pháp mà Việt Nam có thể làm ngay để thích ứng với tình hình này?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Biện pháp thứ nhất là kích cầu nội địa. Như tôi vừa nói thì khó khăn là khó khăn chung của kinh tế toàn cầu chứ không phải chỉ riêng tác động từ phía Mỹ. Việc đầu tiên để cân bằng lại sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài là kích thích được nhu cầu trong nước. Những cải cách gần đây của Chính phủ rất đúng hướng để cải thiện hiệu quả quản trị và tăng không gian phát triển.

Từ sau dịch Covid, Chính phủ vẫn luôn áp dụng chương trình giảm thuế VAT 2%. Việc này có tác dụng tích cực, hỗ trợ sức mua của người dân. Thế nhưng biện pháp tích cực hơn sẽ là tăng cường các hỗ trợ để tăng thêm thu nhập cho người dân.

Các khoản chi cho đầu tư công sẽ có tác động lan tỏa, bởi vì nó tăng cường cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh kênh đầu tư công, có thể có thêm các hỗ trợ liên quan đến phát triển nguồn nhân lực như đào tạo kỹ năng cho công nhân chuyển ngành, hỗ trợ về về an sinh xã hội như hỗ trợ cho những người mất việc hoặc là trong quá trình chuyển việc để họ có thể duy trì cuộc sống. Những hỗ trợ làm tăng thu nhập của người dân sẽ có hiệu ứng lan tỏa tốt hơn. Tôi cho rằng Chính phủ có thể kết hợp các biện pháp linh hoạt.

Thứ hai là tăng chi tiêu công, đặc biệt là tăng đầu tư công. Hiện nay Chính phủ đang giữ mức an toàn ngân sách cao. Tỉ lệ nợ công hiện chỉ khoảng dưới 36 % GDP, so với mức trần là 60 % GDP thì đây cũng là không gian để Chính phủ có thể tăng chi tiêu công nhằm kích cầu trong nước.

Thứ ba là chúng ta có những cải cách về về chính sách cải cách về môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao cơ sở hạ tầng và thậm chí đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng để tạo ra sức cạnh tranh tốt hơn cho nền kinh tế.

Đối với bên ngoài, chúng ta có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Mỹ tất nhiên là cầu nhập khẩu của cả thế giới, có thể bị ảnh hưởng. Nhưng bên cạnh Mỹ có thể có những biện pháp thuế quan tương đối cao thì các thị trường khác ngoài Mỹ cho đến giờ này cũng chưa có dấu hiệu chúng ta bị đánh thuế cao hơn.

Đây là cơ hội để chúng ta vừa là nâng cao sức cạnh tranh nội địa và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế. Khi chúng ta đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là cơ hội để cân đối lại những ảnh hưởng.

Chuyên gia ADB: Còn quá sớm để đánh giá tác động thuế quan nhưng đây là cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI- Ảnh 2.

Đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thì sao, cần có biện pháp gì để tiếp tục thu hút và giữ chân khối này, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Tác động đối với khối FDI tôi cho rằng hiện nay cũng đang quá sớm để đưa ra đánh giá tác động cụ thể. Mặc dù dấu hiệu ban đầu là các nhà đầu tư đang dừng lại theo dõi tiến trình của các biện pháp cụ thể và môi trường kinh doanh, nhưng đối với lại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI, họ có xu hướng là đầu tư dài hạn.

Do đó các biến động ngắn hạn cũng chỉ là một tham số trong việc ra quyết định của họ. Để họ có quyết định thay đổi đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tương tự, ưu đãi thuế cũng là một loại ưu đãi có thể thu hút được FDI.

Thế nhưng ưu đãi thuế cũng không phải là tất cả, bởi vì khối FDI họ còn quan tâm đến hiệu quả hoạt động nữa, trong đó có thể là cơ sở hạ tầng, các dịch vụ đầu tư kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực... Bản thân thuế không phải là yếu tố duy nhất và không phải cứ thuế thấp thì họ vào mà thuế cao thì họ đi.

Tôi cho rằng với Việt Nam, ngoài ưu đãi thuế với hiệu quả ưu đãi cũng chỉ ở mức độ nhất định, chúng ta có thể đưa ra những biện pháp không chỉ riêng cho FDI mà có tác động tích cực cho cả nền kinh tế nói chung như phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Điều này tăng thêm sức cạnh tranh của cả doanh nghiệp trong nước và thu hút FDI. Đó sẽ là yếu tố dài hạn để thu hút được và giữ chân được FDI.

Động thái thuế quan cũng là thông điệp đối với các doanh nghiệp nội địa về việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung cứng?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Đúng vậy, chúng ta hình dung phần lớn các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam với mục tiêu sản xuất để xuất khẩu họ chỉ dùng đất đai, nhân công và hạ tầng ở Việt Nam, phần lớn nguyên liệu họ nhập và họ sẽ xuất đi.

Vì vậy phần giá trị gia tăng ở Việt Nam chưa cao. Ví dụ các ngành liên quan đến bán dẫn chỉ khoảng 5%, các ngành điện tử chỉ khoảng 10% và ngành may mặc khoảng 30%, theo nghiên cứu của ADB. Như thế có nghĩa họ làm ra 10 đồng thì họ bỏ vào túi 9 đồng mang ra nước ngoài. Bởi vì đó là lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có 1 đồng nằm lại ở Việt Nam.

Để có lợi trong việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam, phải tăng được tỷ lệ sản xuất nội địa. Ví dụ thay vì doanh nghiệp FDI phải nhập nguyên liệu, họ có thể mua từ doanh nghiệp trong nước, hoặc thuê doanh nghiệp trong nước sản xuất một phần. Như vậy doanh nghiệp nội địa tăng được giá trị gia tăng trong chuỗi.

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Làm sao để doanh nghiệp trong nước phải có năng lực tốt hơn, cạnh tranh hơn, để bán lại hàng hóa cho doanh nghiệp FDI khi họ nhập về còn rẻ hơn mình. Đó là thách thức và mục đích chính, thông điệp chính mà ADB muốn đưa ra trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng.

Trong các thống kê vĩ mô ít nói đến đến cái sự chênh lệch giữa GDP và GNI. GDP là tổng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong lãnh thổ Việt Nam, bao gồm của cả khối FDI.

Còn GNI (thu nhập quốc dân) tức chỉ tính thu nhập của người Việt Nam, tất nhiên là có một phần nhỏ đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài nữa, nhưng chủ yếu phản ánh phần người Việt Nam nhận được bao nhiêu.

Khoảng cách chênh lệch giữa GDP và GNI của Việt Nam hiện khoảng 9%, tức là GNI của Việt Nam khoảng 91 % của GDP, theo một số nghiên cứu.

Thách thức về chính sách là chúng ta thu hút đầu tư tốt, xuất khẩu tốt nhưng lợi ích đối với mình còn hạn chế. Vì vậy cần làm thế nào để các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi tốt hơn.

Chuyên gia ADB: Còn quá sớm để đánh giá tác động thuế quan nhưng đây là cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI- Ảnh 3.

Phải chăng sự việc thuế quan cũng là một cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Tôi đồng ý với quan điểm đó. Như chúng ta vẫn hay nói “trong nguy có cơ”, động thái áp thuế quan từ Mỹ đối với nhiều nước cho thấy môi trường kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn chuyển đổi, từ một môi trường thương mại tự do với dòng vốn đầu tư quốc tế tương đối linh hoạt sang môi trường có sự giao thoa giữa kinh tế và chính trị sâu sắc hơn. Vì thế nó cũng sẽ tạo ra một hoàn cảnh phát triển mới cho Việt Nam, vừa có cơ hội, vừa có thách thức.

Thuế quan là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta có cái cải cách trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hoặc làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác với các đối tác khác ngoài Mỹ.

Để cơ cấu lại nền kinh tế, mới đây Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng dành cho khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược… Ông đánh giá về gói hỗ trợ này như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Hiện tại gói tín dụng 500.000 tỷ cũng chưa có chi tiết về triển khai. Nhưng tôi cũng có một số nhận định.

Về phương hướng, tôi cho rằng chủ trương này phù hợp với mục tiêu chung là kích cầu trong nước. Dù có hay không bị áp thuế quan thì việc kích cầu trong nước thực ra đều có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Việc gói hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng là mục tiêu đúng hướng để nâng cao sức cạnh tranh về trung và dài hạn của nền kinh tế. Khi hạ tầng đầu tư được tốt hơn sẽ giảm chi phí vận hành, chi phí logistics cho nền kinh tế, đó là điều tốt.

Thứ hai định hướng về tăng cường chi tiêu vào đổi mới sáng tạo cũng rất phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam là phải nâng cấp công nghệ. Trong thời gian vừa qua, đầu tư cho đổi mới sáng tạo chúng ta cũng đang ở mức tương đối thấp, chỉ có 0,4 % GDP trong năm 2024, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của ASEAN. Việc tăng chi tiêu vào đổi mới sáng tạo và các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) là rất tích cực và đúng hướng.

Quy mô của gói hỗ trợ tín dụng là 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4 đến 4,5 phần trăm GDP, hoàn toàn nằm trong không gian tài khóa và Chính phủ có thể có thể cân đối được. Bởi đến cuối năm 2024, tỉ lệ nợ công trên GDP được ước tính là khoảng dưới 36 % và với khoảng 4 đến 4,5 phần trăm GDP này, kể cả trong trường hợp là Chính phủ phải vay toàn bộ khoản đó thì cũng chỉ đưa cái tỉ lệ nợ công lên đến trên 40%. So với trần nợ công của chúng ta là 60% GDP thì không gian tài khóa này vẫn là hoàn toàn có thể thu xếp được.

Tuy vậy, để có hiệu quả thực tế, kích thích được tăng trưởng thì chúng ta phải chú trọng vào việc triển khai hiệu quả và nhanh. Nếu biện pháp này được thực hiện ngay trong năm nay là rất tốt. Nếu kéo dài trong nhiều năm thì hiệu quả kích thích tăng trưởng kinh tế cũng sẽ hạn chế.

Xin cảm ơn ông!