Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh

Việc lượng hóa giá trị danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam này là tiền đề để định vị mô hình bảo tồn và phát triển.

Lượng hoá giá trị Quần thể danh thắng Tràng An

Trong hai ngày 5 và 6/3, tại Ninh Bình đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Lượng hóa giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và xây dựng thương hiệu điểm đến di sản thế giới”.

Thời gian qua, nhiều hội thảo kỹ thuật và các cuộc đối thoại chính sách đã được tổ chức nhằm nghiên cứu sâu hơn về giá trị đặc biệt của Tràng An. Đáng chú ý, từ năm 2023 đến 2025, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện “Đề án nghiên cứu về Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” với sự hợp tác của UNESCO và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã công bố nghiên cứu về giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó một thông tin đáng chú ý là khu di sản này được định giá lên tới 213 tỷ USD.

Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Lượng hóa giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và phát triển thương hiệu của điểm đến di sản thế giới". Ảnh: Báo Đầu tư

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, bày tỏ sự phấn khởi khi tham gia thảo luận cùng các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trong nước cũng như quốc tế về việc “Lượng hóa giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và Phát triển thương hiệu điểm đến Di sản thế giới”. Ông nhấn mạnh rằng hội thảo này không chỉ giúp tái định nghĩa cách đánh giá, đo lường giá trị kinh tế của di sản, mà còn mở ra những cơ hội khai thác tiềm năng bền vững.

Theo ông, nghiên cứu này xem xét vai trò kinh tế của Tràng An trên bốn khía cạnh chính, qua đó làm rõ sự đóng góp của khu di sản đối với sinh kế người dân địa phương, quản lý sử dụng đất hiệu quả và khả năng phục hồi kinh tế dài hạn.

Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh- Ảnh 2.

Ông Jonathan Baker. Ảnh: Báo Ninh Bình

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Những phát hiện từ nghiên cứu không chỉ mang ý nghĩa học thuật mà còn có tác động thực tiễn, giúp định hướng các chính sách và chiến lược phát triển di sản bền vững. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của Tràng An mà còn góp phần vào cuộc thảo luận toàn cầu về việc kết hợp bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta không có mặt ở đây chỉ để lặp lại những gì đã biết, mà để cùng nhau kiến tạo tương lai. Hành trình phía trước của Tràng An, cũng như của các di sản khác, phụ thuộc vào nghiên cứu có chiều sâu, đổi mới chính sách và sự chung tay của tất cả những người quan tâm đến việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Lượng hóa giá trị danh thắng Tràng An để lan tỏa thương hiệu di sản rộng ra thế giới

Đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” được xây dựng dựa trên bốn hướng nghiên cứu chính: di sản tự nhiên, di sản văn hóa, di sản định cư, và kinh tế du lịch cùng với những giá trị phức hợp nổi bật ở cấp độ khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.

Trong quá trình thực hiện, đề án đã tiến hành định giá thương hiệu và giá trị kinh tế của các địa điểm, công trình tiêu biểu trong khu di sản, hiện đang được bảo tồn và khai thác phục vụ du lịch.

Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh- Ảnh 3.

Bến thuyền khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đánh giá tổng thể giá trị kinh tế - thương hiệu của Quần thể danh thắng Tràng An, đặt trong bối cảnh chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch dài hạn, đồng thời xem xét sự kết nối giữa cộng đồng cư dân bản địa, công tác quản lý di sản và những nghiên cứu mang tính đặc thù.

Những kết quả định lượng thu được sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung dữ liệu thực tiễn, tạo nền tảng cho các định hướng chính sách, với mục tiêu lấy di sản Tràng An - Hoa Lư làm động lực thúc đẩy nền kinh tế du lịch, kinh tế di sản và kinh tế sáng tạo. Bảo tồn di sản không chỉ nhằm lưu giữ giá trị lịch sử mà còn là tiền đề để phát triển mô hình đô thị di sản trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề án cũng hướng đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu di sản thế giới hỗn hợp Tràng An, đưa di sản này vươn xa hơn trong khu vực Đông Nam Á và trên trường quốc tế. Tràng An sẽ có cơ hội tham gia vào các mạng lưới đô thị di sản toàn cầu, hệ thống các thành phố sáng tạo và thành phố học tập của UNESCO, từ đó gia tăng giá trị và vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh- Ảnh 4.

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Ảnh: https://vietnamtourism.gov.vn/

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm đề án nghiên cứu, nhấn mạnh rằng đề án này sẽ giúp giải đáp những câu hỏi khoa học về giá trị kinh tế của di sản, cũng như những cơ hội kinh tế mà di sản mang lại trong quá trình bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững.

Các kết quả định giá từ đề án sẽ được công bố rộng rãi trên các diễn đàn khoa học quốc tế, đồng thời truyền thông những giá trị hiện tại cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai của quần thể di sản thế giới quan trọng này.

Ninh Bình là một trong những tỉnh tiên phong trong việc hiện thực hóa kinh tế di sản

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc, bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự hợp tác của các nhóm chuyên gia liên ngành hàng đầu trong nước cùng các tổ chức quốc tế danh tiếng trong việc triển khai Đề án quan trọng này theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông, hội thảo quốc tế với chủ đề “Lượng hóa giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và Phát triển thương hiệu điểm đến Di sản thế giới” đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện toàn diện hơn các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế và thương hiệu của di sản Tràng An. Những kết quả thu được sẽ góp phần đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản, hướng đến phát triển du lịch bền vững, đồng thời củng cố vị thế của Tràng An và khu vực Hoa Lư - Ninh Bình trong hệ thống các đô thị di sản thế giới.

Danh thắng nổi tiếng thế giới ở Việt Nam có giá trị 213 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần tháp Luân Đôn, Anh- Ảnh 5.

Ông Phạm Quang Ngọc. Ảnh: Báo Ninh Bình

Ninh Bình hiện cũng được xem là một trong những địa phương tiên phong trong việc hiện thực hóa mô hình kinh tế di sản. Thông qua việc mở rộng thương hiệu di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh đang thúc đẩy các giá trị di sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh rằng những lợi thế nổi bật về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và địa lý đã được người dân Hoa Lư gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chính điều này đã tạo nên Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An – một biểu tượng toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 6/2014.

Hơn 10 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, chiến lược phát triển bài bản và sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp cùng cộng đồng, Tràng An đã trở thành hình mẫu tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch bền vững và bảo tồn thiên nhiên. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, từng đánh giá Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những mô hình thành công nhất trên thế giới, đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Bên cạnh đó, sự hình thành thành phố Hoa Lư từ việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã khẳng định xu hướng tất yếu: mở rộng kết nối du lịch di sản từ cấp tỉnh, khu vực đến quốc tế. Điều này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu độc đáo cho di sản Tràng An.

Tràng An hôm nay không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn phát triển thêm những giá trị mới, kết nối giữa bản sắc địa phương và hơi thở hiện đại, giữa đô thị lịch sử và đô thị tương lai, dựa trên nền tảng bảo tồn bền vững.

Trong thời gian tới, Ninh Bình không chỉ hưởng lợi từ giá trị di sản mà còn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về hệ sinh thái di sản Tràng An, đảm bảo nhận diện toàn diện các giá trị vốn có.

Với mục tiêu này, Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An” được thực hiện nhằm phân tích toàn diện các đặc điểm và giá trị của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ. Những kết quả của Đề án sẽ được công bố trên trường quốc tế, góp phần giúp UNESCO kết nối với các tổ chức quốc tế uy tín, qua đó khẳng định giá trị tổng thể của Tràng An theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại Monza và Brianza của Ý, dựa trên "hình ảnh, thương hiệu và độ dễ thấy" của công trình, với 10 thông số được nhiều cơ quan phân tích và thống kê tham khảo chéo cho thấy:

Tháp Eiffel là công trình giá trị nhất châu Âu và được định giá 545 tỷ USD đối với nền kinh tế Pháp.

Ở Anh, tháp Luân Đôn được ước tính trị giá 89 tỷ USD, tiếp sau là bãi đá cổ Stonehenge với trị giá 13 tỷ USD.

Còn ở Ý, công trình quý giá nhất là đấu trường La Mã trị giá 114 tỷ USD, thứ hai là nhà thờ Duomo, Milan, ước khoảng 103 tỷ USD.