Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Nêu tờ trình, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo nghị quyết đưa ra hai chính sách cụ thể.
Trong đó, chính sách 1 ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; còn chính sách 2 dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Theo ông Sơn, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo là 1.062 tỷ/năm, trong đó, hỗ trợ chi phí học tập 116,9 tỷ, tiền ăn trưa 945 tỷ/năm.
Về kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo, số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để thu hút giáo viên 2.827,6 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập là 3.296,8 tỷ/năm.
Về kinh phí kiên cố hóa trường, lớp học, Bộ trưởng cho biết, sẽ xây dựng 24.228 phòng học cấp mầm non, thay thế các phòng học tạm thời, phòng học tạm…với nhu cầu vốn khoảng 26.651 tỷ đồng;
Đồng thời, xây dựng bổ sung đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học: Xây dựng 25.412 phòng học cấp học mầm non; với nhu cầu vốn khoảng 27.953 tỷ đồng…
“Như vậy, tổng kinh phí cần để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3 - 5 tuổi về lĩnh vực cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là 91.872,5 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026 - 2030)”, ông Sơn cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh.
Nguồn tài chính và nhân lực rất lớn
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.
Theo tính toán, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí chi đầu tư xây dựng trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định là 91.872,5 tỷ đồng.
“Thường trực Ủy ban cho rằng, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026-2030, lộ trình này cần được quy định trong Nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hằng năm...”, ông Vinh cho hay.
Về đội ngũ giáo viên mầm non , theo đánh giá tác động dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là 26.522 biên chế/65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu.
Thường trực Ủy ban đề nghị đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp.