Thống nhất kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ
Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Trình bày tờ trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - nêu rõ, sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện dự án này.
Theo ông Hùng, luật hiện hành quy định 76 thủ tục hành chính, dự thảo sửa đổi quy định còn 51 thủ tục hành chính. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính giảm 25 thủ tục, tương ứng với mức giảm 32,9%.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp. Ảnh: QH.
Dự thảo cũng quy định bổ sung về chuyển đổi số trong hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử; nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, để đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với kinh phí đầu tư khoảng 25-30 tỷ USD, quy mô lớn, thời gian thực hiện lâu, cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cả về số lượng, chất lượng).
Về phân cấp, phân quyền, dự thảo quy định phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng. Quy định Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân (tại Điều 32 dự thảo Luật).
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đều phải được Thủ tướng cho phép. “Chính phủ sẽ phân cấp thẩm quyền cấp phép vận chuyển quá cảnh đối với các nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở xuống”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Đề cập đến việc ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất giữa nội dung các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp , tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy.
Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân . Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.
Huy động nguồn lực xã hội tham gia
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị quy định rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý, ví dụ vấn đề thẩm quyền dừng các hoạt động bức xạ hạt nhân khi phát hiện dấu hiệu mất an ninh, an toàn để phòng ngừa bức xạ hạt nhân.
Ông Lê Tấn Tới cũng đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về kiểm soát các loại hàng hoá có chứa chất phóng xạ hoặc nguy cơ bị nhiễm xạ, các quy định về quản lý chiếu xạ y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH.
Liên quan vấn đề xã hội hoá , Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định này là cần thiết để huy động nguồn lực xã hội tham gia nghiên cứu, ứng dụng lĩnh vực hạt nhân nguyên tử.
"Có cần mở rộng thêm các hình thức xã hội hoá để có sự tham gia thêm của các doanh nghiệp, người dân vào công cuộc này hay không, ví dụ xã hội hóa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao? Tuy nhiên, cũng quan ngại vấn đề này mới, tính rủi ro cao, cần quan tâm vấn đề an toàn bức xạ, xã hội hoá nhưng vẫn bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn thông tin do vấn đề này chứa nhiều thông tin bí mật quốc gia", ông Thanh lưu ý.
Liên quan thủ tục, theo ông Thanh, có đến 42 lần nhắc đến cụm từ “giấy phép” , Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát, gom lại xem giấy phép nào cùng trong một nhóm, trong quá trình xử lý cho phép các tổ chức, cá nhân triển khai hoạt động này để đỡ trùng lặp, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh.