ĐHĐCĐ BSC: Lợi nhuận mục tiêu kỷ lục 560 tỷ đồng, chi trả cổ tức 10%

Ban lãnh đạo đánh giá những thuận lợi tác động tới ngành chứng khoán năm nay tới từ đà hồi phục kinh tế vĩ mô và môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện cho dòng vốn vào TTCK, triển vọng nâng hạng thị trường.

Sáng ngày 18/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (mã: BSI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

BSC đặt mục tiêu kinh doanh 2025 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, tăng 9% so với mức kỷ lục cùng kỳ. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt mục tiêu tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 260%.

Dựa trên việc đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025, BSC xác định 6 mục tiêu chủ yếu trong năm 2025 nhằm duy trì sự phát triển bền vững của công ty bao gồm: Nâng cao năng lực tài chính, Tăng trưởng toàn diện, Mở rộng quy mô tài sản sinh lời, Chuyển đổi số, Hoàn thiện chính sách nhân sự và tiền lượng, Quản trị rủi ro hiệu quả.

Ban lãnh đạo đánh giá những thuận lợi tác động tới ngành chứng khoán trong năm nay tới từ đà hồi phục kinh tế vĩ mô và môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện cho dòng vốn vào TTCK, triển vọng nâng hạng thị trường. Động lực cũng tới từ cuộc cách mạng “thể chế, nhân lực, kết cấu” đang tạo ra nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, nâng cao sức hấp dẫn của TTCK.

Một số khó khăn cũng được chỉ rõ như rủi ro bất định đối với chính sách về thương mại và thuế quan của Mỹ tới Việt Nam, cạnh tranh về thị phần ngày càng gay gắt cũng như áp lực gia tăng tỷ giá trong bối cảnh lãi suất thấp là rào cản gia nhập lại thị trường của dòng vốn ngoại.

Về kết quả kinh doanh 2024, BSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt mức cao kỷ lục gần 516 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm ngoái.

Về phương án phân phối lợi nhuận , Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức 2024 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ 10% (tương đương cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới phát hành thêm). Vốn điều lệ BSC dự kiến sau phát hành là gần 2.454 tỷ đồng.

Sang năm 2025, cổ đông tiếp tục thông qua kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%/mệnh giá cổ phiếu. Hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc/và bằng cổ phiếu, ủy quyền cho HĐQT quyết định hình thức phù hợp.

ĐHĐCĐ BSC: Lợi nhuận mục tiêu kỷ lục 560 tỷ đồng, chi trả cổ tức 10%- Ảnh 1.

Thảo luận:

1. Xin cho biết nhận định của BSC về chính sách thuế quan mới của Mỹ, tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng? Cụ thể, chính sách này ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của BSC và công ty sẽ ứng phó như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Dũng: Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ có thể gây ảnh hưởng rõ rệt đến nền kinh tế Việt Nam, khi khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện đang hướng đến thị trường Mỹ. Những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ và logistics.

Ngoài các tác động trực tiếp, còn có những ảnh hưởng gián tiếp khó lượng hóa, chẳng hạn như rủi ro liên quan đến lao động, việc làm, tiêu dùng nội địa và tỷ giá. Những yếu tố này có thể kéo theo sự dịch chuyển dòng vốn FDI khỏi Việt Nam.

Thực tế, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế, VN-Index đã có thời điểm sụt giảm mạnh trước khi hồi phục trở lại. Trong thời gian tới, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường nếu không có kết quả đàm phán tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan với một số yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ. Trong đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường vào quý 3 năm nay là điểm sáng lớn. Hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5 tới đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường vận hành minh bạch và hiện đại hơn.

Về hành động cụ thể, BSC đã và đang thực hiện một số giải pháp sau: 

Phân tích tác động theo từng ngành và từng doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, công ty sẽ định giá lại cổ phiếu một cách hợp lý, giúp đội ngũ tư vấn có cơ sở hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại danh mục, lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp, ít bị ảnh hưởng tiêu cực, qua đó giữ chân khách hàng hiệu quả hơn.

Tối ưu mảng tự doanh: Hoạt động tự doanh hiện đang chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của BSC. Vì vậy, công ty đặc biệt chú trọng phân tích tác động chính sách thuế đến giá cổ phiếu một cách khoa học, từ đó chủ động điều chỉnh danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hiệu quả sinh lời.

Tăng cường quản trị nội bộ: Việc kiểm soát rủi ro nội tại, đảm bảo vận hành hiệu quả và linh hoạt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu cũng đang được BSC triển khai chặt chẽ.

2. Chiến lược tự doanh sắp tới của BSC là gì? Công ty có tiếp tục đầu tư vào trái phiếu không, khi mà khoản mục này đã tăng mạnh từ đầu năm? Và đâu là hướng tối ưu doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh hiện tại?

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Viễn: Hiện tại, danh mục đầu tư trái phiếu của BSC đang chiếm khoảng 60–70% vốn chủ sở hữu. Trong đó, khoảng 90% danh mục này là trái phiếu ngân hàng – những tổ chức tài chính hàng đầu, có thanh khoản cao và độ rủi ro thấp. Chúng tôi tự tin đây là danh mục đầu tư rất chất lượng và an toàn.

Song song với việc tập trung vào trái phiếu ngân hàng, BSC cũng đang lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán.

Về chiến lược tối ưu doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi xác định rõ quan điểm: ưu tiên quản trị rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, dù tỷ suất sinh lời của trái phiếu các doanh nghiệp hàng đầu thường thấp hơn so với trái phiếu của các doanh nghiệp hạng C, D, nhưng BSC chấp nhận mức lợi nhuận này để đổi lấy sự an toàn và ổn định. Chiến lược đầu tư vẫn sẽ tập trung vào trái phiếu của các ngân hàng thương mại lớn và doanh nghiệp thuộc nhóm hạng A.

3. Thời gian qua, cổ đông chiến lược Hana Bank đã hỗ trợ gì cho BSC? Việc ứng dụng công nghệ tại công ty được triển khai như thế nào và đã đạt được những kết quả gì đáng chú ý?

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Viễn: Hiện nay, xu hướng chung trên thị trường chứng khoán Việt Nam là các công ty chứng khoán đều phải chuyển dịch sang môi giới bằng công nghệ.

Tuy nhiên, BSC có một số lợi thế nổi bật:

Thứ nhất, là công ty con của BIDV – ngân hàng có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và mạng lưới khách hàng rộng lớn, BSC có khả năng tích hợp sâu vào hệ sinh thái công nghệ của BIDV, từ đó mang lại trải nghiệm liền mạch và tiện ích hơn cho khách hàng.

Thứ hai, cổ đông lớn của BSC là Hana Securities (thuộc tập đoàn tài chính Hana – Hàn Quốc), một đơn vị rất mạnh về công nghệ. Trong thời gian qua, Hana đã cử chuyên gia sang Việt Nam để đánh giá và hỗ trợ BSC trong việc chuyển giao các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến. Nhiều sản phẩm trong số đó được bàn giao hoàn toàn miễn phí – đây là một lợi thế cạnh tranh đáng kể của BSC trên thị trường hiện nay.