DN Mỹ chi 8 tỷ USD mua công ty Thụy Điển nhưng cuối cùng bán cho Trung Quốc với giá chỉ 1 tỷ: Trung quốc thành công có được công nghệ quan trọng

Trong bối cảnh mới, kinh tế tư nhân trở thành nhân tố quan trọng tạo động lực phát triển mới cho Việt Nam.

Vào chiều 21/4, buổi trao đổi “Bàn tròn kinh tế chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam” do President Club đã được tổ chức, với sự dẫn dắt của TS. Võ Trí Thành và sự tham gia của PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan….

TS. Võ Trí Thành cho biết, với tư duy và cách nhìn mới, những xu hướng hiện nay vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời tạo ra những chuyển động và đối lập đầy mới mẻ. Mới nhất là chính sách Trump 2.0 – trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nhìn lại và nhận ra cốt lõi vẫn là thị trường, là cạnh tranh, là vai trò của khu vực tư nhân trong việc tạo ra động lực phát triển mới.

Với vai trò là doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Trọng Khang – người sáng lập và Chủ tịch HĐQT của MK Group chia sẻ, Nghị quyết 57 của Trung ương đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Đáng chú ý, Nghị quyết xác định khoa học công nghệ là một trong những động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới. “Trong những động lực phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, tôi rút ra được là chỉ có hợp tác quốc tế mới đi nhanh được thôi, nếu chúng ta tự làm thì mất rất nhiều thời gian”, ông Khang nhấn mạnh.

Thực tế, trong khoa học công nghệ và phát triển hợp tác quốc tế, rõ ràng doanh nghiệp tư nhân có lợi thế hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Khi nói đến công nghệ lõi, công nghệ chiến lược thì con người chính là yếu tố cốt lõi, và đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Đi nhiều cũng có những trải nghiệm rất hay. Cách đây khoảng 7 năm, ông Khang đã gặp Tổng Giám đốc của Geely (hãng xe của Trung Quốc), ông chia sẻ cách mua lại công ty Volvo Cars của Thụy Điển và vai trò rất lớn của nhà nước trong thương vụ đó.

Geely là một hãng ô tô của Trung Quốc, ban đầu phát triển từ xe máy. Sau này, họ phát triển lên và nhận ra Trung Quốc không thể tự làm ô tô, đặc biệt là động cơ ô tô, động cơ đốt trong. Vậy người Trung Quốc đã làm thế nào? Lúc đó, họ quyết định mua lại công ty Volvo Cars của Thụy Điển trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: Ford - nhà sản xuất ô tô đến từ Mỹ từng bỏ hơn 8 tỷ USD để mua Volvo, nhưng người Mỹ muốn người Thụy Điển làm theo cách của họ, trong khi người Thụy Điển rất giỏi và không muốn như vậy.

Do đó, Ford đã không thành công với Volvo. Chính vì vậy, được một thời gian Ford quyết định bán Volvo. Lúc này, Geely mua lại Volvo với giá 1 tỷ USD, thậm chí chi thêm 1 tỷ USD nữa giao Volvo Cars tiếp tục phát triển. Đáng chú ý, sau một thời gian phát triển, Geely từ từ đưa dần công nghệ về. Cho đến nay, xe Geely có chất lượng không khác gì Volvo, và Volvo đã nằm trong chuỗi cung ứng của Geely tại Trung Quốc.

Hiện nay, lợi nhuận của Volvo rất tốt. Và quá trình này đã có thấy cách người Trung Quốc lấy công nghệ, cách họ xây dựng “kho công nghệ” của mình.

“Việc mua lại công ty ở nước ngoài không có nghĩa là có thể mang toàn bộ sở hữu trí tuệ về ngay, đó là cả một quá trình. Hiện nay, ở châu Âu, tất cả các thương vụ nước ngoài mua công ty công nghệ châu Âu từ 5% trở lên đều phải qua Chính phủ, vì họ không muốn một số quốc gia bỏ tiền ra mua hết. Điều này lại là một lợi thế cho Việt Nam”, ông Khang chia sẻ.

Từ đó, quay lại với Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Tóm lại, nếu tiếp cận được công nghệ nước ngoài và phát triển công nghệ trong nước sẽ tạo ra ngành công nghiệp có thể xuất khẩu mạnh, và vị thế của Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều.