Doanh nghiệp Việt khai khá "mỏ vàng" Campuchia, bày tỏ tham vọng cực lớn

Đây là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Doanh nghiệp Việt khai khá "mỏ vàng" Campuchia, bày tỏ tham vọng cực lớn- Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh tích cực

Phân bón là một mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp. Mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Năm 2024, thị trường này đã chiếm 34,3% trong tổng khối lượng và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 947.654 tấn, trị giá 372,02 triệu USD. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, chiếm 29,7% về lượng và chiếm 27,1% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu phân bón của cả nước.

Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Campuchia, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) nổi lên là doanh nghiệp đứng đầu bảng.

Doanh nghiệp Việt khai khá "mỏ vàng" Campuchia, bày tỏ tham vọng cực lớn- Ảnh 2.

Theo thông tin do Chứng khoán Yuanta Việt Nam công bố, trong nửa đầu năm 2025, Đạm Cà Mau ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

DCM ước tính doanh thu quý 2/2025 đạt 6.200 tỷ đồng (tăng 82% so với quý trước và tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái). LNTT của công ty đạt 600 tỷ đồng, tăng 32% so với quý trước nhưng lại giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng doanh thu nửa đầu năm 2025 của DCM ước tính đạt 9.600 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái), với LNTT đạt 1.100 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Năm 2025, ban lãnh đạo đặt kế hoạch doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái), LNTT đạt 864 tỷ đồng (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái), và LNST đạt 774 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái).

Như vậy, với kết quả đã đạt được, Đạm Cà Mau đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 122% kế hoạch LNTT cả năm.

Kế hoạch đầy tham vọng

Đến năm 2030, DCM đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 49% so với năm 2024. Sở dĩ, công ty đặt mục tiêu đầy tham vọng là bởi quan điểm của ban lãnh đạo về khả năng Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu phân bón. Gần đây, có thông tin cho rằng Trung Quốc có thể nối lại hoạt động xuất khẩu phân bón với khối lượng ước tính 2,5 triệu tấn từ 5/2025 - 9/2025.

Ban lãnh đạo DCM nhận định rằng giá phân bón nội địa tại Trung Quốc đã tăng mạnh sau khi tin tức này được công bố. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng can thiệp bằng cách áp đặt hàng rào thuế quan và giảm hạn ngạch xuất khẩu nhằm ổn định thị trường. Kết quả là, DCM cho rằng nguồn cung phân bón từ các nước ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục bị hạn chế trong năm nay.

Ngoài ra, ban lãnh đạo tin rằng giá phân bón - đặc biệt là phân ure sẽ tiếp tục tích cực trong giai đoạn 2025 - 2030, nhờ vào nhu cầu gia tăng, đặc biệt là từ Campuchia, nơi diện tích đất canh tác dự kiến sẽ tăng gấp đôi và DCM hiện đang nắm giữ 40% thị phần phân ure tại khu vực này.

Doanh nghiệp Việt khai khá "mỏ vàng" Campuchia, bày tỏ tham vọng cực lớn- Ảnh 3.

Đạm Cà Mau đẩy mạnh xuất khẩu sang nước ngoài.

Campuchia là thị trường trọng điểm trong xuất khẩu của Đạm Cà Mau bởi nhu cầu tiêu thụ phân bón không ngừng tăng trưởng liên tục với tốc độ cao qua các năm. Theo dữ liệu của Chứng khoán An Bình, nhu cầu tiêu thụ ure hàng năm của Campuchia ở mức 380.000 - 410.000 tấn, phân DAP là từ 250.000 - 280.000 tấn/năm, và phân NPK là từ 260.000 - 300.000 tấn/năm.

90% nhu cầu tiêu thụ ure của Campuchia là ure hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp ranh. Trong khi đó, Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp phân bón Việt Nam duy nhất sản xuất được loại sản phẩm này.

DCM có kế hoạch tăng khối lượng xuất khẩu NPK sang Campuchia từ 20.000 tấn/năm lên 100.000 tấn/ năm. Hiện Đạm Cà Mau đang chiếm 35 - 40% thị phần phân ure của Campuchia và đặt mục tiêu tăng lên mức 50 - 60% trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa nhà máy ure sử dụng than đá tại Trung Quốc do các yêu cầu tuân thủ ESG nghiêm ngặt hơn; và việc mở rộng công suất sản xuất mới đang bị hạn chế cũng là những nguyên nhân khiến Đạm Cà Mau đưa ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng trong những năm tiếp theo.

Về mục tiêu trong thời gian tới, DCM có kế hoạch ra mắt các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón sinh học chất lượng cao vào đầu năm 2026.

DCM cũng có kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào sản xuất khí công nghiệp và hóa chất liên quan đến phân bón giai đoạn 2026 - 2030, đặt mục tiêu doanh thu 5–6 nghìn tỷ đồng. Dự án này sẽ tập trung vào việc thu gom và xử lý các khí N₂, O₂, Ar, H₂, và CO₂.

Cùng với đó, DCM có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực chế biến sau thu hoạch, với mục tiêu xây dựng một chuỗi giá trị tích hợp từ vùng trồng đến chế biến sâu các sản phẩm dùng trong thực phẩm, đồ uống, dược phẩm và mỹ phẩm.