Dự án giao thông đua nhau về đích

Những tháng cuối năm 2025, người dân ĐBSCL sẽ chứng kiến hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đưa vào sử dụng

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, 13 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 354 km, bao gồm các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - An Hữu…

Đẩy nhanh tiến độ

Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực, thiết bị, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các dự án trong năm 2025. Dự kiến, các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ hoàn thành ngày 19-12; còn cầu Rạch Miễu 2 sẽ đưa vào khai thác vào dịp 19-8.

Dự án giao thông đua nhau về đích- Ảnh 1.

Cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành dịp 19-8 sắp tới

Những địa phương là cơ quan chủ quản các dự án cũng tăng cường kiểm tra, quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, tăng ca - kíp thi công để đẩy nhanh tiến độ. Nhờ vậy, các dự án thành phần 1 và 3 thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 2 thuộc tuyến Cao Lãnh - An Hữu đã có chuyển biến rõ rệt.

Đề cập dự án cầu Rạch Miễu 2, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời thông tin: "Đến ngày 12-7, tổng giá trị sản lượng các hợp đồng đang thi công là 3.193,5 tỉ đồng, đạt 97,24%, vượt tiến độ chung so với kế hoạch hơn 1,43%. Trong đó, phần cầu chính vượt tiến độ hơn 6,6% và cầu đã hợp long nhịp chính, hoàn thành việc lắp đặt khe co giãn, gờ lan can, dải phân cách. Đơn vị thi công đang chuẩn bị thảm bê-tông nhựa mặt cầu, dự kiến toàn bộ dự án hoàn thành trước ngày 19-8".

Dự án giao thông đua nhau về đích- Ảnh 2.

Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ về đích cuối năm nay

Riêng gói thầu thi công cầu Đại Ngãi 2 cùng với tuyến đường liên quan và các công trình trên tuyến, ông Lữ Quang Ngời cho hay giá trị hợp đồng hơn 1.543 tỉ đồng, giá trị thi công đến nay là 1.137 tỉ đồng. Dự kiến cuối tháng 8-2025, cầu Đại Ngãi 2 sẽ được thông xe tạm với xe máy để phục vụ người dân đi lại.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tuyến cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ từ khi khởi công đến nay đã giải ngân 13.078 tỉ đồng. Trong năm 2025, 3 dự án thành phần được bố trí hơn 7.285 tỉ đồng và đã giải ngân 22%, phấn đấu cuối năm đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện dự án mới đạt hơn 41%, chủ yếu do khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, nhất là cát.

"Tổng nhu cầu cát san lấp tại các dự án thành phần 2, 3, 4 của tuyến cao tốc này khoảng 19,63 triệu m3; nguồn khai thác đã được xác định khoảng 13,7 triệu m3 và 5 triệu m3 đã đưa về công trình. Cần Thơ có trữ lượng cát biển lớn nhưng vẫn đang thử nghiệm, chưa được sử dụng đại trà. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục liên hệ với các địa phương để thực hiện thủ tục, bổ sung nguồn cát còn thiếu cho dự án" - ông Trần Văn Lâu thông tin.

Cấp tập khởi công

Theo Bộ Xây dựng, ĐBSCL còn có 3 dự án do Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản. Trong đó, 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục để khởi công vào dịp 19-8 là tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi dài 91 km và đường kết nối với cảng Hòn Khoai dài 17 km; còn dự án cảng Hòn Khoai đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi. Dự án này ảnh hưởng gần 1.800 hộ dân với trên 700 ha đất, phần lớn là diện tích nuôi trồng thủy sản. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh để ngày 19-8, dự án này tiến hành khởi công cùng với các công trình khác trên cả nước".

Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thì chủ tịch UBND cấp xã được phân cấp nhiều quyền. Theo ông Phạm Thành Ngại, chủ tịch UBND 10 xã có dự án nêu trên đi qua có thẩm quyền phê duyệt giá đất bồi thường.

Đường cao tốc Cà Mau - Đất Mũi được bố trí nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 1.000 tỉ đồng. Cà Mau đã sắp xếp được 700 tỉ đồng và từ nay đến cuối năm 2025 sẽ bảo đảm 300 tỉ đồng còn lại để đủ nguồn vốn thực hiện dự án.

Trong khi đó, dự án xây dựng cầu Đình Khao (bắc qua sông Cổ Chiên) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Công trình dài 4,27 km, điểm đầu giao với Đường tỉnh 902 tại xã Nhơn Phú, điểm cuối giao với Quốc lộ 57 thuộc địa bàn xã Phú Phụng, tỉnh Vĩnh Long; tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng.

Ông Lữ Quang Ngời cho hay các bước tiếp theo để thực hiện dự án này là hội đồng thẩm định cấp cơ sở sẽ rà soát lại báo cáo nghiên cứu khả thi công trình cầu Đình Khao theo hình thức đối tác công tư rồi tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ giao cơ quan chuyên môn tổ chức mời thầu, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư… 

Vật liệu cát, đá chưa đủ nhu cầu

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Hồ Văn Mừng, cho hay tổng nguồn cát mà địa phương đã cung cấp cho các dự án đường cao tốc trong và ngoài tỉnh khoảng 23 triệu m3. Tỉnh gần như đã hết cát nên các công trình trọng điểm tại địa phương đang gặp khó khăn về vật liệu này.

Về vật liệu đá, nguồn cung của An Giang khoảng 4,5 triệu m3 song nhu cầu lên đến 9 triệu m3. Vì vậy, tỉnh chỉ cung cấp cho các công trình hoàn thành trong năm 2025.