GRDP 4 tỉnh được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tăng trưởng ra sao trong quý I/2025?

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó. Như vậy, 4 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Ninh, và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, danh mục các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Trong đó, tỉnh Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được dự kiến sáp nhập vào 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng (sáp nhập Hải Dương) và TP. HCM (sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu).

Như vậy, Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã không còn nằm trong danh sách các tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương, vì 3 tỉnh này đã được sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, theo Quyết định 759/QĐ-TTg, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó. Như vậy, 4 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Ninh, và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Quảng Ninh: GRDP tăng trưởng ngoạn mục

Bước sang năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ tăng trưởng kinh tế quốc gia khi GRDP tăng 8,42%, xếp thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 20 cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong vùng và thứ 7 cả nước.

Để tạo nền tảng vững chắc, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên. Quảng Ninh là một trong 4 địa phương được Chính phủ tin tưởng, gửi gắm với chỉ tiêu tăng trưởng rất cao (12%), đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Hết quý I/2025, tăng trưởng GDRP Quảng Ninh tăng 10,91%, vượt kịch bản tăng trưởng tăng 0,41%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 7 cả nước. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 9,98%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng mức tăng 20,57% với 9/14 sản phẩm đạt và vượt tiến độ kế hoạch. Đáng chú ý, sau giai đoạn khó khăn, ngành Than đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2024, sản lượng điện cũng tăng 3,2%.

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy, trọng tâm là thu hút khách du lịch, thực hiện các giải pháp tăng cường đón các đoàn khách du lịch tàu biển quốc tế, bổ sung các dịch vụ, hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long, lên kế hoạch tổ chức hơn 170 chương trình, sự kiện quảng bá du lịch… Hết quý I, lĩnh vực này tăng 14,19%, Quảng Ninh đã đón gần 5,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 6% so với cùng kỳ 2024, đứng thứ 3 cả nước. Các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng ghi nhận được nhiều kết quả tích cực với mức tăng 7,9%.

Ninh Bình: Duy trì đà tăng, chủ động trong xuất khẩu và bán lẻ

Tính đến hết năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Ninh Bình ước đạt 8,56%, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 11 cả nước. Du lịch Ninh Bình được bình chọn là "top 10 điểm đến cuốn hút nhất thế giới".

Năm 2025, tỉnh Ninh Bình là một trong số 18/63 tỉnh, thành phố được Chính phủ giao tăng trưởng 2 con số. Ninh Bình được Chính phủ tin tưởng giao chỉ tiêu tăng trưởng rất cao, đạt 12%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Tính riêng quý I/2025, vượt qua khó khăn, kinh tế Ninh Bình tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng.  Theo Chi cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh quý I/2025 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 13.754,1 tỷ đồng, tăng 9,06 % so với quý I năm 2024, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 06/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) đạt 4.496,8 tỷ đồng, tăng 6,95% đóng góp 2,32 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 3.534,2 tỷ đồng, tăng 5,83% đóng góp 1,54 điểm phần trăm); khu vực III (dịch vụ) đạt 6.043,7 tỷ đồng, tăng 12,79% đóng góp 5,43 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt trên 849,8 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ, vượt 17,9% so với kịch bản tăng trưởng đề ra.

Khánh Hòa: GRDP tăng 6,72% trong quý I/2025

GRDP năm 2024 của Khánh Hòa đạt mức tăng trưởng 8,5%, cho thấy xu hướng hồi phục toàn diện sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Khánh Hòa tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với kịch bản đề ra 10,5% và thấp hơn so với tăng trưởng GDP của cả nước (6,93%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 2,51% (kịch bản đề ra 3%); khu vực công nghiệp đạt 3,8% (kịch bản đề ra 11,6%); khu vực xây dựng đạt 10,98% (kịch bản đề ra 20,5%); khu vực dịch vụ đạt 7,96% (kịch bản đề ra 9,8%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ (chỉ tăng 6,1%), trong đó các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Khánh Hòa đều tăng thấp (dưới 10%) hoặc giảm, nhất là điện sản xuất chỉ tăng 4%. Việc này dẫn đến GRDP ngành công nghiệp chỉ tăng 4,6%, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng kế hoạch vốn năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là hơn 10.095,9 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn 8.710,7 tỷ đồng (đạt 86,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao); số vốn chưa phân bổ là 1.385,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 33.827 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt hơn 13.850 tỷ đồng, tăng 21,8%, với 2,5 triệu lượt khách, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; thu hút được 10 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 295,4 nghìn tỷ đồng. 2,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 13.850 tỷ đồng (tăng 21,8%). Công nghiệp tăng 6,1%, đầu tư xã hội đạt 16.000 tỷ đồng (tăng 14,3%). Các yếu tố du lịch, hạ tầng và khu công nghiệp ven biển tiếp tục được khai thác.

Bắc Ninh: Công nghiệp vẫn là trụ cột, GRDP quý I/2025 vượt dự báo

Bất chấp nhiều thách thức về biến động chuỗi cung ứng, GRDP năm 2024 của Bắc Ninh đạt 232,8 nghìn tỷ đồng,. Tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá hiện hành ước đạt 6,03% so với năm 2023. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng/người/năm, tăng 14,8% so với năm 2023.

Sang đến Quý I/2025, tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Ninh có sự khởi sắc, GRDP tăng gần 2 con số với 9,64%, cùng công nghiệp tăng trưởng đột phá.

Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng tiếp tục đóng vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, chiếm tỷ trọng ngày càng cao: Công nghiệp - xây dựng chiếm 67,45%; dịch vụ chiếm 24,79%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,5%.

Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện thuận lợi, hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hấp dẫn các nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 62%.

Đặc biệt, đáng chú ý trong quý I/2025, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số IIP tăng 11,7% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh tăng mạnh ở mức 13,08%.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ hiện đại, văn minh, tiện ích phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 30.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 9,8%.