CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025, doanh thu hoạt động ghi nhận giảm nhẹ 1% xuống 669 tỷ đồng.

Riêng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 127 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu môi giới sụt giảm 28% xuống 133 tỷ đồng. Lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 16% xuống 42 tỷ.
Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng 7% so với quý 1/2024 lên 277 tỷ và lãi từ các TSTC sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32% lên 57 tỷ.
Chi phí hoạt động của MBS trong quý 1/2025 giảm mạnh hơn doanh thu, ghi nhận mức giảm 59% so với cùng kỳ năm trước xuống 108 tỷ đồng. Trong đó MBS được hoàn nhập hơn 77 tỷ chi phí dự phòng TSTC, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm; chi phí đi vay. Chi phí môi giới giảm 14% xuống 117 tỷ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý 1 của MBS đạt 339 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2024. Lãi ròng thu về đạt 269 tỷ - mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của CTCK này.

Năm 2025, công ty lên mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy sau 3 tháng, MBS đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thời điểm 31/1/2025, khoản mục FVTPL của MBS có giá trị thị trường hơn 2.564 tỷ đồng, tăng 590 tỷ so với đầu quý. Đây chủ yếu là chứng chỉ quỹ (56 tỷ), giấy tờ có giá khác (1.162 tỷ), trái phiếu niêm yết (901 tỷ), cổ phiếu (446 tỷ).
Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) có giá trị 4.900 tỷ với hơn 4.561 tỷ là tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn. Khoản mục AFS tại thời điểm cuối quý 1 chủ yếu là trái phiếu với gần 1.360 tỷ.
Dư nợ cho vay margin và UTTB của MBS tại thời điểm cuối quý 1/2025 đạt 11.442 tỷ, tăng 1.147 tỷ so với đầu quý và là mức cao nhất từ trước tới nay. Riêng dư nợ margin đạt gần 11.330 tỷ, tăng hơn 1.200 tỷ so với đầu quý.