Chiều 14/3, Đài RT (Nga) treo trên trang chủ dòng tít cứng rắn đầu tiên trong chuỗi sự kiện liên quan đến hoạt động quân sự tại Ukraine: "Nga đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với việc rời bỏ các công ty". Trước đó, đài này thường chọn các sắc thái từ trung tính để diễn đạt tin tức, lần này họ đã dùng từ "mạnh mẽ".
RT dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu hôm thứ 2 rằng các đơn vị kinh tế của công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga có thể bị thực hiện thủ tục phá sản. Theo đó, thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có thể mất từ 3-6 tháng.
Đồng thời, vị này cho biết "Nga muốn các công ty nước ngoài tiếp tục hoạt động tại nước này", đồng thời lưu ý sự ra đi của các doanh nghiệp như vậy sẽ "không có lợi cho bất kỳ ai".
Trước đó, Bộ Phát triển Kinh tế bày tỏ hy vọng về sự trở lại đáng kể các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga, đặc biệt sau khi cấu trúc lại hệ thống.

Bộ trưởng trong Chính phủ Liên bang Nga đã tuyên bố cứng rắn về các thực thể kinh tế rời Nga. Ảnh: Moskva News Agency.
Ở một động thái khác, các nhà chức trách Nga đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn tiền ra khỏi biên giới và hỗ trợ đồng rúp. Bản tệ của Nga chứng kiến sự sụt giảm giá trị đáng kể so với USD.
Trước đó, trong tuyên bố của mình hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không sử dụng từ "quốc hữu hóa". Ông Putin đề nghị giới thiệu quản lý bên ngoài và chuyển giao các doanh nghiệp đó "cho những người muốn làm việc". Ông cũng nói với các bộ trưởng Nga nên đảm bảo rằng quyền của các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn ở lại nước này "được bảo vệ một cách đáng tin cậy".
Tuy nhiên, văn phòng công tố hôm thứ Sáu ra yêu cầu "kiểm soát chặt chẽ" các công ty đã thông báo đình chỉ hoạt động tại Nga, đặc biệt cảnh báo về việc tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật lao động, có thể bị truy tố nếu vi phạm.
Cuối tuần trước, người giàu thứ hai của Nga, tỷ phú Vladimir Potanin đã lên tiếng phản đối ý tưởng tịch thu tài sản của các tập đoàn khổng lồ nước ngoài (quốc hữu hóa) đã quyết định rời Nga. Ông nói rằng những hành động như vậy có thể đưa đất nước trở lại năm 1917.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, ngày càng nhiều công ty phương Tây đã đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động tại Nga sau khi Mỹ và các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bên cạnh áp lực chính trị, các doanh nghiệp nước ngoài đang phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng khi Nga đơn phương chịu lệnh cấm xuất khẩu từ một số quốc gia.