Chiều 23/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ, năm 2024 đã qua đi với nhiều biến động, không chỉ trên phạm vi toàn cầu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến từng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN Nguyễn Thị Trà My.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh năm 2024 của PAN lại là một điểm sáng nổi bật. Tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất kỷ lục lần đầu tiên vượt mốc 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.100 tỷ đồng, tăng gần 43% so với năm 2023 và vượt 32% so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng trưởng 50%.
Trong đó, cả 3 lĩnh vực kinh doanh trọng yếu là thủy sản, nông nghiệp, thực phẩm đóng gói đều ghi nhận bước tiến mạnh mẽ.
Sang năm 2025, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu hợp nhất đạt 17.256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Ký hợp đồng 2.000 tấn tôm với Costco trước "bão" thuế quan
Tại phần tham luận, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN cho biết: "Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn, chưa bao giờ ai dám nói chắc điều gì trước diễn biến thị trường và trong bối cảnh khó lường như hiện nay".

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN.
Tuy nhiên, việc công ty duy trì một kế hoạch tăng trưởng có nghĩa chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể hoàn thành những gì chúng tôi đề ra.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ, ông Hưng thẳng thắn nói: "Tôi có thể khẳng định rằng tác động của thuế quan Mỹ đối với chúng tôi hiện tại là không lớn. Thực tế, tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ, ngay cả trong ngành tôm của Tập đoàn cũng rất nhỏ".
Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thì ảnh hưởng trực tiếp chủ yếu chỉ có xuất khẩu tôm. PAN đã nhận thức vấn đề thuế quan Mỹ trong nhiều năm, đã chủ động chuẩn bị trước cho tình huống này. Cụ thể, tập đoàn này đã tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường thay thế phù hợp hơn với quy trình sản xuất và định hướng phát triển bền vững của tập đoàn, như thị trường châu Âu, Nhật Bản,...
Một điểm tích cực khác là các sản phẩm chế biến sâu vẫn đang hoạt động ổn định. Các đối tác mua hàng từ Mỹ cho biết họ chấp nhận chi trả thuế nhập khẩu để tiếp tục hợp tác với Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các công ty thành viên vẫn đang tăng trưởng tốt.

Trong năm 2024, cả 3 lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của PAN là thủy sản, nông nghiệp, thực phẩm đóng gói đều ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ.
Bổ sung về vấn đề này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Trà My đã chia sẻ thêm một số cập nhật. "Một tin vui là, Costco (chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Mỹ) đã chính thức ký hợp đồng mua hàng trực tiếp từ chúng tôi dưới thương hiệu riêng của họ. Giá nhập khẩu sản phẩm của họ cao hơn 20–25% so với các sản phẩm tương tự. Trong tuần vừa rồi, họ đã ký hợp đồng 2.000 tấn tôm", bà Trà My nói
Ngoài ra, bà Trà My cũng bật mí về việc PAN vừa ký hợp đồng mới với các chuỗi bán lẻ cao cấp cho các sản phẩm chất lượng cao. Đây là thành quả từ chiến lược bài bản và kiên định của tập đoàn trong việc theo đuổi các sản phẩm giá trị gia tăng và tìm kiếm thị trường phù hợp trong thời kỳ Covid-19.
Bên cạnh đó, vị Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh rằng, chi phí vận chuyển hiện nay rất cao, nên PAN đã ưu tiên xuất khẩu vào những thị trường gần và khó tính như Nhật Bản.
Cổ tức sẽ tăng vào các năm tới
Tại đại hội, một cổ đông đã đặt câu hỏi về việc vì sao năm nay PAN vẫn trả cổ tức ở mức 5% dù lãi nhiều hơn năm trước.
Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN chia sẻ rằng nhiều năm qua, PAN đã đầu tư tài sản để có hệ sinh thái của tập đoàn. Một phần không nhỏ trong số đó là từ nguồn vốn vay của CGIF.
Do đó, việc sử dụng lợi nhuận để lại cũng như các khoản khác để trả những phần đầu tư đường dài - là những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn tập đoàn. "Với lộ trình như vậy, chúng tôi tin rằng trong năm sau và các năm tiếp theo, tỉ lệ chia cổ tức sẽ được cao hơn", ông Hưng nói.

Đại diện Tập đoàn PAN cho biết, doanh nghiệp đã sớm nhận diện những rủi ro từ thị trường Mỹ và chủ động mở rộng sang các thị trường thay thế phù hợp hơn, như châu Âu và Nhật Bản.
Một vấn đề cũng được cổ đông quan tâm tại đại hội là về thay đổi Chủ tịch các công ty con. Ông Hưng cho biết, nếu không thuộc tập đoàn PAN thì tất cả những người lãnh đạo trong các công ty đó, nếu là cán bộ Nhà nước thì đã về hưu từ nhiều năm về trước. Tại các tập đoàn tư nhân khác, việc thay đổi lãnh đạo thường diễn ra ngay sau khi mua lại doanh nghiệp. Còn PAN đã khai thác và sử dụng các lãnh đạo này trong nhiều năm, có người cả 10 năm.
"Tre già thì măng mọc, đến lúc phải thay người thì sẽ phải thay, bởi đó là nguyện vọng của người lao động và cũng là quy luật thực tiễn", ông Hưng nói. Việc thay thế không vì lý do tiêu cực nào, mà ngược lại còn giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Ông Hưng nhấn mạnh: "Chúng tôi tham gia vào PAN với mục tiêu xây dựng định chế minh bạch, nâng tầm nông nghiệp. Đến giờ phút này, cổ đông và đối tác của PAN đều nhìn thấy rằng, chúng tôi làm đúng những gì chúng tôi nói và cam kết với cổ đông. Chưa một cái gì chúng tôi chưa thực hiện được".