Quy hoạch "treo" và xung đột quy hoạch chưa được xử lý triệt để

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần có thêm điều khoản quy định rõ nguyên tắc xử lý mâu thuẫn về nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện các loại quy hoạch.

Sáng 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Lo ngại tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" 

Tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, tình trạng "quy hoạch treo" và "xung đột quy hoạch" chưa được xử lý triệt để. 

Tại khoản 3 Điều 5 cho phép quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch chuyên ngành được "lập đồng thời". Do đó, bà kiến nghị Luật lần này cần có thêm điều khoản quy định rõ nguyên tắc xử lý mâu thuẫn về nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện các loại quy hoạch. 

Theo bà, dù Luật đã đề cập việc tuân thủ các luật liên quan nhưng không nêu rõ cơ chế xử lý so với các luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ... 

Quy hoạch "treo" và xung đột quy hoạch chưa được xử lý triệt để- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Ảnh: Media Quốc hội).

Điều này, có thể gây khó khăn, nhất là khi lập các loại quy hoạch ngành, kỹ thuật hay khi thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch, dễ dẫn đến xung đột trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi quy hoạch ngành quốc gia như quy hoạch giao thông không khớp với quy hoạch tỉnh hoặc vùng. 

"Do đó, cần thiết lập một cơ chế xử lý ngay trong luật, giải quyết xung đột sớm trước khi thẩm định và sử dụng công cụ kỹ thuật hỗ trợ như Hệ thống thông tin địa lý để kiểm soát chồng lấn giữa các quy hoạch", bà Xuân nói.

Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, tuy nhiên về quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch đô thị thường có độ vênh hoặc hai ngành triển khai chưa đồng bộ. 

Do đó, khi thực hiện Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, đại biểu kiến nghị chỉ tuân thủ quy hoạch cấp trên liền kề với các lý do: Quy hoạch cấp trên liền kề đã cụ thể hoá Quy hoạch cấp trên nữa.

Cùng với đó, khi thực hiện quy hoạch phát triển đô thị đã lấy ý kiến các ngành trong đó có ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường (về sử dụng đất). 

Do vậy, nếu thực hiện Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối chiếu với quy hoạch cấp trên thì đề xuất áp dụng quy hoạch cấp trên liền kề là quy hoạch đô thị. 

Quy định này cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng chồng chéo quy hoạch ở bước thực hiện, các dự án không bị đắp chiếu hoặc giảm đáng kể quy hoạch treo như thời gian vừa qua, khơi thông được nguồn lực cho sự phát triển.

Dự thảo Luật quy định Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ tập thể, có thể lấy ý kiến phản biện độc lập nhưng không bắt buộc, chỉ trong trường hợp cần thiết.

Nữ đại biểu bày tỏ lo ngại có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nếu cơ quan lập quy hoạch cũng kiểm soát quá trình thẩm định hoặc mời các thành viên "nội bộ".

Do đó, bà kiến nghị bổ sung cơ chế bắt buộc có phản biện độc lập đối với quy hoạch quan trọng như: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch lập đồng thời để tránh mâu thuẫn

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, dự thảo Luật đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, linh hoạt ở địa phương trong quá trình tổ chức thẩm định, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm có sự tham gia của các sở ngành liên quan và các chuyên gia, nhằm nâng cao tính khách quan và phản biện kỹ thuật.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn thiếu cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan của Hội đồng thẩm định bởi nếu Chủ tịch tỉnh là người phê duyệt quy hoạch cũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định sẽ làm suy giảm tính khách quan.

Quy hoạch "treo" và xung đột quy hoạch chưa được xử lý triệt để- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Ảnh: Media Quốc hội).

Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng Chủ tịch UBND tỉnh là người phê duyệt quy hoạch thì không làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, thay vào đó, UBND tỉnh cử một lãnh đạo khác hoặc mời lãnh đạo cơ quan chuyên môn làm Chủ tịch Hội đồng.

Đại biểu băn khoăn: Tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều rồi mà vẫn rối?

Trong khi đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thay vì quy định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được lập đồng thời, nên quy định "phải lập đồng thời".

Bởi lẽ, quy hoạch cấp trên phải có định hướng để quy hoạch cấp dưới chi tiết hóa. Nếu như quy hoạch cấp trên chưa có định hướng thì khi lập quy hoạch cấp dưới trước, rất có thể sẽ không phù hợp.

Quy hoạch "treo" và xung đột quy hoạch chưa được xử lý triệt để- Ảnh 3.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu dẫn chứng điều này từng gặp phải khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia trước, đến khi làm quy hoạch tỉnh, chỉ tiêu phân bổ đất cho các tỉnh không phù hợp. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Do vậy, cần thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch, quy hoạch cấp trên sẽ đưa ra định hướng, sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết cụ thể hóa. 

"Trong quá trình chi tiết cụ thể hóa chỗ nào không phù hợp, sẽ phản hồi để điều chỉnh cấp trên. Cách làm này sẽ đạt được nhiều mục tiêu bởi các quy hoạch khi làm đồng thời sẽ có tính kết nối, khớp nối, đảm bảo không bị mâu thuẫn", ông nhấn mạnh.