Thủ đoạn của 2 "ông trùm" trong đường dây sản xuất sữa giả lớn nhất từ trước đến nay, thu lợi gần 500 tỷ

Cơ quan điều tra xác định, đường dây này đã hoạt động suốt 4 năm nay, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Các đối tượng cầm đầu lập hàng loạt công ty để sản xuất, phân phối sữa giả

Liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả vừa bị triệt phá, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, Hà, Cường bị cáo buộc vai trò cầm đầu đường dây, là ông chủ của Hacofood Group và Rance Pharma cùng các công ty trong hệ sinh thái.

Thủ đoạn của 2 "ông trùm" trong đường dây sản xuất sữa giả lớn nhất từ trước đến nay, thu lợi gần 500 tỷ- Ảnh 1.

Một hộp sữa giả trong vụ án (Ảnh: VTV).

TTXVN đăng tải kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định: Từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Ngoài 2 công ty nói trên được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.

Cụ thể, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, 9 công ty trong "hệ sinh thái" này gồm: Công ty CP dược quốc tế Group, Công ty CP dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty CP dược quốc tế Long Khang Group, Công ty CP dinh dưỡng y học BFF, Công ty CP dược quốc tế Safaco Group, Công ty CP dược quốc tế Darifa Group, Công ty CP dược quốc tế Win CT, Công ty CP dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty CP dược Á Châu.

Các doanh nghiệp này sẽ đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm), trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma.

Toàn bộ hoạt động điều hành sản xuất tại nhà máy được giao cho Hồ Sỹ Ý (cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood) đảm nhiệm. Một trong các phần việc của Ý là chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng sản phẩm được sản xuất tại 2 nhà máy.

Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, cảnh sát thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tải liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Bổ sung chất phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng

Trong vụ án trên, cơ quan chức năng xác định, thành phần sữa được công bố là: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. 

Theo kết quả điều tra, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Thủ đoạn của 2 "ông trùm" trong đường dây sản xuất sữa giả lớn nhất từ trước đến nay, thu lợi gần 500 tỷ- Ảnh 2.

Sản phẩm sữa bột của công ty này được quảng cáo được ứng dụng thành tựu dinh dưỡng hiện đại (Ảnh: Người lao động).

Nói về những nguy cơ khi sử dụng sữa giả, phân tích trên tờ Người Lao Động, PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cảnh báo về nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng nếu người bệnh và trẻ nhỏ sử dụng sữa kém chất lượng. 

Theo PGS-TS Trần Quang Trung, sữa giả có thể khiến bệnh nền như tiểu đường trở nên nặng hơn do các thành phần như đường, đạm, vi chất không đạt chuẩn, thậm chí chỉ dưới 70% công bố.

Ông Trung nhấn mạnh nhiều sản phẩm của công ty này hướng đến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, là những đối tượng rất nhạy cảm. Nếu dùng sữa giả lâu dài, trẻ có thể chậm phát triển, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng trí não. Thai phụ thiếu dưỡng chất có thể khiến thai nhi nhẹ cân, sinh non hoặc thấp còi.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát cấp phép, quảng cáo sản phẩm. "Tôi không hiểu công nghệ nào cho phép đưa đông trùng hạ thảo hay macca vào sữa bột mà vẫn đảm bảo chất lượng sau khi hòa tan. Quảng cáo sai lệch như vậy cần bị xử lý nghiêm"- ông nói.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 10 năm

Tại dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được xây dựng, cơ quan soạn thảo - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định phạt tù đối với hành vi bán hàng giả trực tuyến.

Theo đó, tại Điều 193 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mức phạt với hành vi này bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng.

Cùng với đó, cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 18-36 tỷ đồng, gấp đôi mức phạt hiện hành.

Pháp nhân vi phạm cũng bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Đáng chú ý, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm "Hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên" bị đề xuất mức phạt tù từ 5-10 năm.

Duy Anh