Thủ phủ của ngành kinh tế mỗi năm đem về 100 tỷ USD cho Việt Nam sẽ hình thành ngay sát vách Hà Nội

Đây là ngành kinh tế nhận được sự quan tâm của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Thủ phủ của ngành kinh tế mỗi năm đem về 100 tỷ USD cho Việt Nam sẽ hình thành ngay sát vách Hà Nội- Ảnh 1.

HÌnh minh họa bởi AI

Bắc Ninh sẽ thành trung tâm sản xuất vi mạch và bán dẫn hàng đầu khu vực

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 323/KH-UBND phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030; định hướng đến năm 2045.

Kế hoạch nhằm mục đích đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái sản xuất vi mạch và linh kiện bán dẫn hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Giai đoạn 2025 - 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thủ phủ công nghiệp bán dẫn tại miền Bắc, hàng đầu Việt Nam. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư chiều sâu, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung và xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hiện đại.

Song song, Bắc Ninh chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia vi mạch, đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho làn sóng đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn công nghệ lớn. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh, tập trung vào các tập đoàn, doanh nghiệp đi đầu về ngành công nghiệp bán dẫn.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh đào tạo tối thiểu 30.050 lao động ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó trình độ Đại học chiếm 1,8%, Cao đẳng 43,3%, trình độ Trung cấp và đào tạo nâng cao, chuyển đổi 54,9%; hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ bán dẫn, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu.

Cùng với đó, Bắc Ninh cũng phấn đấu thu hút đầu tư mới 3 - 5 tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nhà máy và trung tâm R&D tại Bắc Ninh hoặc các nhà đầu tư hiện có tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; phát triển Bắc Ninh thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu vi mạch hàng đầu khu vực…

Từ năm 2030 - 2045, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vi mạch và bán dẫn hàng đầu khu vực , hình thành các nhà máy chip quy mô tỷ đô, tiến tới làm chủ một số công nghệ lõi. Tỉnh sẽ từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm bán dẫn mang thương hiệu "Made in Viet Nam".

Thủ phủ của ngành kinh tế mỗi năm đem về 100 tỷ USD cho Việt Nam sẽ hình thành ngay sát vách Hà Nội- Ảnh 2.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bắc Ninh cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty đầu tư vào bán dẫn; ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, sản xuất; áp dụng cơ chế "Luồng xanh 60%" cho các hồ sơ, thủ tục, dự án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù trong lĩnh vực bán dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp bán dẫn; phát triển hạ tầng công nghệ xanh, ưu tiên năng lượng tái tạo trong sản xuất vi mạch. Đồng thời, đảm bảo cung cấp hạ tầng thiết yếu và Internet đáp ứng theo chuẩn quốc tế nhằm phục vụ sản xuất công nghệ cao. Nghiên cứu hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực vi mạch và sản xuất chip bán dẫn.

Cùng với đó, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh; thúc đẩy hợp tác sâu rộng, đẩy mạnh giao thương, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, xuất - nhập khẩu với các đối tác phát triển.

Thủ phủ của ngành kinh tế mỗi năm đem về 100 tỷ USD cho Việt Nam sẽ hình thành ngay sát vách Hà Nội- Ảnh 3.

Ngành công nghiệp mới nổi tại Việt Nam

Ngành công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo kế hoạch phát triển ngành bán dẫn, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030 đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%.

Đến năm 2040, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%. Quy mô nhân lực đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25% ; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%. Ở giai đoạn này, hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn…

Thủ phủ của ngành kinh tế mỗi năm đem về 100 tỷ USD cho Việt Nam sẽ hình thành ngay sát vách Hà Nội- Ảnh 4.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn thế giới đã đầu tư vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết năm 2024, có 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, tổng vốn gần 11,6 tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành như Intel, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI (Hàn Quốc), Renesas (Nhật Bản)... đều đã có mặt ở Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào những năm 2024 - 2030.

Trong một bài chia sẻ, ông Amit Laroya, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á - ngành Giao thông và Điện tử của Tập đoàn 3M nhận định Việt Nam đang là thị trường được các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn trên toàn cầu đặc biệt quan tâm.

Đồng quan điểm đó, ông Richard Lawton Thurston, nguyên Phó Chủ tịch TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đánh giá Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. "Phát triển AI cần nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm cảm biến, bộ nhớ, thu thập dữ liệu và xử lý. Do đó, Việt Nam nên chọn một trong các giai đoạn để tập trung phát triển và xây dựng chiến lược", ông Thurston nói.