
Ảnh minh hoạ.
Theo thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 3/2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta đạt 1,47 tỷ USD, qua đó nâng mức trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này trong quý 1/2025 đạt 3,93 tỷ USD, tăng 11,1% (tăng 394 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong quý 1/2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 2,14 tỷ USD, tăng 12,9% (tăng 244 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ sang Nhật Bản đạt 511 triệu USD, tăng 21,8%; Trung Quốc đạt 413 triệu USD, giảm 13,4%.
Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài nói với Báo Đại biểu Nhân dân, tính chung 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD; tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhóm chế biến sâu đạt 2,68 tỷ USD; tăng 11,1% so với 3 tháng đầu năm 2024. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 667,7 triệu USD; tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2024. Nhìn chung đây là mức tăng trưởng chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động chủ yếu do các yếu tố từ bên ngoài.
Về thị trường, xuất khẩu gỗ giữ mức tăng trưởng đồng đều ở 5 thị trường top đầu; xuất khẩu đi Mỹ tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất đi Nhật Bản chủ yếu dăm gỗ, viên nén vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt; xuất đi Trung Quốc, dăm gỗ vẫn giữ được giá ổn định. Các thị trường Hàn Quốc, châu Âu (EU) vẫn giữ được mức tăng trưởng bình thường, không có nhiều đột biến.

Trong quý 1/2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ.
Lãnh đạo VIFOREST cũng cho biết, theo đề nghị của các bộ, ngành có liên quan và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đưa thuế suất nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Mỹ vào Việt Nam xuống 0% nhằm giảm áp lực thuế đối ứng từ phía Mỹ.
Năm 2024: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Mỹ
Tuổi Trẻ cho biết, theo số liệu mới nhất, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Mỹ năm 2024, đạt 8,8 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc (5 tỷ USD, đang chịu thuế cao), Mexico (gần 3 tỷ USD, mạnh về sản phẩm chất mộc và nội thất ngoài trời), Canada (chuyên dòng cao cấp), Indonesia (nội thất gỗ teak ngoài trời), Malaysia và Thái Lan (mạnh về gỗ cao su, thiết kế tốt nhưng quy mô nhỏ).
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cả năm 2024 đạt 15,89 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2023.
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2025 vẫn được dự báo tích cực.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 18 tỷ USD xuất khẩu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Hiện nay, hạn chế của ngành gỗ Việt Nam là nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng sẽ là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực hóa giải và vượt qua.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng tự tin cho rằng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 18 tỷ USD của năm 2025 vẫn có thể đạt được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang thay đổi, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cần đổi mới mô hình sản xuất, tiêu thụ để đáp ứng những thách thức.
Trong đó đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và mẫu mã có vai trò then chốt, giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp cần ứng dụng kỹ thuật số để làm thay đổi trải nghiệm của khách hàng, giúp tăng cường sự gắn kết của khách hàng, đơn giản hóa các quyết định mua hàng của đối tác...