Từ vụ DJ bạo hành vợ: Chuyên gia chỉ ra nguyên tắc trong phòng chống bạo lực gia đình

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, vì vậy nếu bạn đang chứng kiến hay biết đến một trường hợp bạo lực – đừng im lặng. Một lời động viên, một tin nhắn hỏi han, một cuộc gọi báo tin... cũng có thể cứu được một người.

Liên quan đến vụ việc một DJ bạo hành vợ tại Hà Nội gây xôn xao dư luận, thông tin với PV, ông Nguyễn Ngọc Thịnh (chủ tịch UBND xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) xác nhận sự việc xảy ra trên địa bàn và cho biết, cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Nỗi đau tinh thần của người vợ bị nhân lên gấp nhiều lần

Chia sẻ với PV, ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về Giới và phát triển xã hội, cho biết, bản thân từng làm tư vấn qua hotline và từng nghe một số phụ nữ sau sinh chia sẻ rằng có thời điểm họ cảm thấy tuyệt vọng đến mức muốn tự tử hoặc làm hại con. Nhìn chung, phụ nữ sau sinh dễ rơi vào nhiều khó khăn như trầm cảm, mệt mỏi, cô đơn.

“Hành vi bạo lực của cậu JD kia có thể khiến nỗi đau tinh thần của người vợ bị nhân lên gấp nhiều lần, thậm chí ảnh hưởng đến cả quá trình chăm sóc và nuôi dạy con sau này”.

Từ vụ DJ bạo hành vợ: Chuyên gia chỉ ra nguyên tắc trong phòng chống bạo lực gia đình- Ảnh 1.

Trong ảnh là ông Lê Xuân Đồng vừa giật được con dao từ người chồng đang xông vào bạo hành vợ khi cùng nhóm phản ứng nhanh của xã, vào bản giải cứu một trường hợp bị bạo lực.

Vị chuyên gia chỉ ra một nguyên tắc quan trọng trong phòng chống bạo lực gia đình là “Không” đổ lỗi cho nạn nhân, nghĩa là người gây bạo lực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho hành vi của mình. Trong xã hội có luật pháp, chỉ nhà nước mới có quyền dùng bạo lực trong những trường hợp nhất định.

“Luật là thế, nhưng tiếc là cuộc sống không giống cuộc đời, nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng vẫn xảy ra hàng ngày, chồng giết vợ, mẹ giết con, con cái bỏ rơi cha mẹ... bạo lực gia đình diễn ra ở khắp mọi nơi, không phân biệt tầng lớp, địa vị, giới tính. Ở đâu có con người – ở đó vẫn còn nguy cơ bạo lực”, ông Đồng chia sẻ.

Cách nhận biết và bảo vệ trong tình huống nguy hiểm

Giống như học bơi hay phòng cháy chữa cháy, việc có một kế hoạch an toàn trong trường hợp có bạo lực gia đình là một kỹ năng sống thiết yếu để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và con cái.

Chuyên gia về giới Lê Xuân Đồng chia sẻ một số bước để bảo vệ chính mình hoặc giúp một ai đó đang ở trong tình huống nguy hiểm:

TRƯỚC khi bạo lực xảy ra

Quan sát dấu hiệu nguy hiểm: Nhận diện những tình huống dễ dẫn đến bạo lực (khi người kia uống rượu, dùng chất kích thích, đang thất nghiệp, ghen tuông cực đoan…). Khi hiểu được "chu kỳ" của người gây bạo lực, bạn có thể chủ động phòng tránh thay vì chiến lại.

Chuẩn bị điểm đến an toàn: Nghĩ trước xem bạn có thể tạm trú ở đâu nếu cần rời khỏi nhà (nhà người thân, bạn bè, nhà tạm lánh…). Chuẩn bị sẵn túi khẩn cấp/ túi an toàn: giấy tờ tuỳ thân, tiền, điện thoại, thuốc, sữa cho con...

Lập mạng lưới hỗ trợ: Chia sẻ tình hình với người thân, hàng xóm hoặc bạn bè đáng tin cậy. Thiết lập “mật mã” riêng để họ nhận ra bạn đang gặp nguy hiểm (ví dụ: gửi một tin nhắn quen thuộc như “Em làm rơi đồ rồi”).

Chuẩn bị điện thoại và số khẩn cấp: Lưu sẵn các số cần gọi như 113, 111, người thân, tổ chức hỗ trợ… Ghi chúng ra giấy và để ở nhiều nơi phòng khi bị lấy điện thoại.

Hướng dẫn trẻ em cách ứng phó: Dặn con không can thiệp khi có bạo lực. Nếu đủ lớn, con cần biết gọi điện, biết địa chỉ an toàn, hoặc ai có thể giúp.

TRONG lúc xảy ra bạo lực

Tìm nơi ít nguy hiểm hơn: Tránh các khu vực như bếp (dao, vật nhọn), nhà tắm (kín, trơn trượt) hoặc nơi không có đường thoát. Nếu có thể, di chuyển về phía cửa, nơi có thể chạy ra ngoài.

Không tranh cãi lại: Ưu tiên sự an toàn của bạn và con cái. Giữ bình tĩnh nhất có thể, nói ít, cố gắng bảo vệ thân thể.

Nếu có cơ hội – gọi hỗ trợ: Bấm số đã lưu sẵn, hoặc hét gọi hàng xóm nếu cần.

SAU khi bạo lực xảy ra

Ghi lại bằng chứng: Giữ lại tin nhắn đe dọa, ghi âm, quay clip, chụp vết thương, đi khám và xin giấy xác nhận thương tích.

Tìm đến hỗ trợ chuyên nghiệp: Nhiều tổ chức có thể hỗ trợ bạn về pháp lý, tâm lý, chỗ ở và tái thiết cuộc sống.

Bạo lực gia đình không phải tự nhiên mà có. Nhiều người gây bạo lực từng là nạn nhân trong quá khứ hoặc lớn lên trong môi trường bạo lực. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm, chúng ta cũng cần hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi nhận thức và hành vi, để chấm dứt bạo lực từ “nguồn phát”.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, vì vậy nếu bạn đang chứng kiến hay biết đến một trường hợp bạo lực – đừng im lặng. Một lời động viên, một tin nhắn hỏi han, một cuộc gọi báo tin... cũng có thể cứu được một người.

Từ vụ DJ bạo hành vợ: Chuyên gia chỉ ra nguyên tắc trong phòng chống bạo lực gia đình- Ảnh 2.

Ảnh cắt từ đoạn clip ghi lại cảnh DJ đánh vợ gây bức xúc dư luận

Nếu không xử lý về hành vi cố ý gây thương tích thì vẫn có thể xử lý hình sự về tội hành hạ vợ ?

Trao đổi với PV, TS.LS Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

“Nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của nhau. Bởi vậy, những hành vi bạo lực trong gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Tùy vào tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi, sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường thông tin.

Theo luật sư, trong trường hợp hành vi bạo hành của người chồng được xác định là cố ý gây thương tích. Hoặc đối xử tàn nhẫn với vợ thì người chồng này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 134 hoặc điều 185 bộ luật hình sự.

Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy người chồng này đã có hành vi đối xử tồi tệ,. hoặc có những hành vi bạo lực xâm phạm đến thân thể của vợ mà chưa đến mức bị xử lý hình sự về tội cố Ý gây thương tích thì sẽ bị xử lý hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ theo điều 185 bộ luật hình sự với hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không gian giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

“Hành vi đối xử tồi tệ là hành vi phân biệt đối xử, bất định đẳng trong gia đình, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người trong gia đình.

Còn hành vi bạo lực, xâm phạm đến thân thể của thành viên trong gia đình là hành vi đánh đập những thành viên trong gia đình, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nạn nhân. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của sự việc trên, làm rõ diễn biến hành vi của người đàn ông này.

Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ là làm rõ hành vi bạo lực có diễn ra nhiều lần hay không, tính chất mức độ của hành vi như thế nào, đã tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của người vợ ra sao để đánh giá hành vi có được xác định là đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm đến thân thể đến mức xử lý hình sự hay không. Nếu nạn nhân có thương tích hoặc hậu quả gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự để giáo dục, răn đe với người đàn ông này và để phòng ngừa chung với xã hội”.