Vụ phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả: "Chiêu bài" độc khiến người tiêu dùng dễ "sa bẫy"

Các đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế, dinh dưỡng để quảng bá sản phẩm. Chiêu bài này khiến người tiêu dùng dễ "sa bẫy".

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Điều đáng nói, các sản phẩm được nhắm đến là nhóm sữa dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai - những đối tượng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương về sức khỏe. Các bị can bị khởi tố với hai tội danh: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi vụ án đang được mở rộng điều tra, website và fanpage của hai doanh nghiệp này cùng loạt nhãn hàng như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet, Gumi Colos... đều đã không thể truy cập. Một loạt video quảng cáo từng được phát tán rộng rãi cũng dần biến mất.

Trong đường dây này, các đối tượng không chỉ sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế, các công ty còn mời MC, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Chiêu bài này khiến người tiêu dùng tin tưởng, dễ sa vào bẫy của những lời quảng cáo thổi phồng, sai sự thật.

Theo tin tức trên VTC News, PGS.TS Nguyễn Thị L. - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia bất ngờ trước thông tin hai doanh nghiệp sản xuất gần 600 loại sữa giả. Bà khẳng định bản thân không phải là người của công ty và hoàn toàn không liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm.

Vụ phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả: "Chiêu bài" độc khiến người tiêu dùng dễ "sa bẫy"- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị L. xuất hiện trong video quảng cáo sản phẩm sữa. (Ảnh: VTC News)

Năm 2023, bà được một công ty truyền thông mời tham gia giới thiệu về sản phẩm của Công ty Hacofood. Bên mời cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận FDA Hoa Kỳ, cũng như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Những thông tin và tài liệu này khiến bà tin tưởng và đồng ý tham gia với vai trò chuyên gia.

PGS Nguyễn Thị L. cho biết, bà từng cùng đơn vị truyền thông đến thăm cơ sở sản xuất. Qua quan sát, bà thấy nhà máy khá sạch sẽ, quy trình sản xuất một chiều, thông khí đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc, truyền thông không cung cấp lại clip quảng cáo đăng trên YouTube để bà xem lại nội dung mình xuất hiện.

“Tôi thực sự cảm thấy bị lợi dụng hình ảnh. Nếu biết trước sự việc, tôi đã tư vấn để nhà máy đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu”, PGS.TS Nguyễn Thị L. nói.

Theo bà, sai phạm lớn nhất nằm ở khâu sản xuất. “Đáng lẽ, mỗi lô hàng phải được kiểm nghiệm các thành phần dinh dưỡng như đã công bố trên nhãn mác, nhưng công ty lại không làm kỹ. Khi công bố không đầy đủ, sản phẩm hiển nhiên không đạt chuẩn”, PGS.TS Nguyễn Thị L. nói thêm.

Sự việc không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang, mà còn đặt ra cảnh báo về việc sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ trong quảng cáo sản phẩm. “Chúng tôi, những người làm chuyên môn, bị lợi dụng mà không hay biết. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và niềm tin của cộng đồng với ngành y tế”, PGS Nguyễn Thị L. nói thêm.

Một trường hợp chuyên gia khác là bà Lê Thị H., nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thừa nhận trên Tuổi trẻ, bà từng hợp tác, tư vấn giới thiệu một số hãng sữa.

Tuy nhiên bà khẳng định chưa từng làm việc trực tiếp với hãng sữa và không giới thiệu về các loại sữa mà chỉ cung cấp thành phần dinh dưỡng của các loại sữa, phân tích ưu nhược điểm để người tiêu dùng lựa chọn.

Vụ phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả: "Chiêu bài" độc khiến người tiêu dùng dễ "sa bẫy"- Ảnh 2.

Bà Lê Thị H. trong video quảng bá sữa Bold Milk, một trong số sản phẩm của "hệ sinh thái sữa giả". (Ảnh: Tuổi trẻ)

"Tuy nhiên, sau vụ việc lần này, bản thân tôi cũng rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ các sản phẩm dinh dưỡng. Các sản phẩm phải thực sự tốt cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích và được cơ quan chức năng trong và ngoài nước công nhận.

Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý tốt các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", bà Lê Thị H., nói.

Ngoài 2 người được giới thiệu là bác sĩ như trên, các công ty sản xuất sữa giả còn mời một số người nổi tiếng, MC trên truyền hình để quảng cáo các loại sữa này.

Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ. Bộ Công an cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua các sản phẩm sữa bột, đặc biệt là dành cho người bệnh và trẻ em, đồng thời khuyến cáo không nên tin vào quảng cáo trên mạng nếu chưa được kiểm chứng rõ ràng.

Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng nhiều bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thậm chí biến chúng thành "thần dược".