Doanh nghiệp chỉ có 8 nhân sự bị huỷ niêm yết bắt buộc sau 15 năm lên sàn

Ngày hủy niêm yết là 30/5, nguyên nhân do vi phạm quy định công bố thông tin.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ban hành quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ gần 29,7 triệu cổ phiếu của CTCP Vinam (mã CVN) do vi phạm quy định công bố thông tin. Cụ thể, Vinam đã chậm nộp BCTC kiểm toán năm trong 3 năm liên tiếp từ 2022-2024. Ngày hủy niêm yết là 30/5, giao dịch cuối cùng trên sàn HNX là 29/5 .

Trước đó, cổ phiếu CVN đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9/2024, do tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin sau khi đã bị hạn chế giao dịch vì chậm nộp BCTC bán niên 2024 đã soát xét. HNX đã cảnh báo khả năng hủy niêm yết cổphiếu CVN từ cuối tháng 4, và yêu cầu Vinam phản hồi trong vòng 5 ngày làm việc kể từ 23/4.

Trong công văn phản hồi ngày 25/04, Vinam cho biết đã chủ động liên hệ với nhiều đơn vị kiểm toán được chấp thuận để kiểm toán BCTC năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, do lịch làm việc của các đơn vị kiểm toán đã kín, cùng với việc chưa thống nhất được các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và chi phí, nên đến nay Công ty vẫn chưa thể ký hợp đồng kiểm toán.

Vinam đề nghị cơ quan quản lý xem xét việc chậm nộp báo cáo kiểm toán là sự kiện bất khả kháng, kiến nghị chưa áp dụng hủy niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được đơn vị kiểm toán và công ty hoàn tất kiểm toán BCTC.

Theo BCTC tự lập, năm 2024, Vinam ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 96 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 73% so với năm 2023. Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm chủ yếu do thu hẹp quy mô hoạt động và chi phí tài chính tăng mạnh.

Trong quý 1/2025, Vinam ghi nhận doanh thu đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp lỗ ròng1,8 tỷ đồng, giảm so với mức lãi 480 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tính đến 31/3, số nhân sự của Vinam chỉ còn 8 người.

Vinam tiền thân là CTCP Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Việt Nam, thành lập năm 2007, niêm yết trên HNX từ 6/8/2010. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như cung cấp giải pháp y tế, phân phối thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kinh doanh máy nông nghiệp và đầu tư nhà máy điện rác.

Như vậy, cổ phiếu CVN của Vinam đã có 15 năm giao dịch trên sàn chứng khoán trước khi bị huỷ niêm yết. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu CVN dừng ở mức 1.900 đồng/cp, “bốc hơi” gần 90% so với đỉnh.

Doanh nghiệp chỉ có 8 nhân sự bị huỷ niêm yết bắt buộc sau 15 năm lên sàn- Ảnh 1.