Cụ thể, tại PNJ, giá vàng nhẫn mua vào tăng 200.000 đồng/lượng, lên mức 114,8 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra giữ nguyên ở mức 117,4 triệu đồng/lượng. Tại Mi Hồng, giá vàng nhẫn tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện giao dịch ở mức 115,3 – 116,8 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khác vẫn giữ nguyên giá vàng nhẫn so với chốt phiên trước. Cụ thể, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng, Công ty SJC là 114,3 – 116,8 triệu đồng/lượng, và DOJI giữ mức 108,3 – 112,5 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng miếng, mặt bằng giá tại các doanh nghiệp lớn như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Công ty SJC và DOJI vẫn ổn định quanh mức 118,9 – 120,9 triệu đồng/lượng.
Riêng nhà vàng Mi Hồng đang giữ giá vàng miếng ở mốc 119,7 - 120,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng nhẹ gần 11 USD, lên mức 3.335 USD/ounce, nhưng vẫn duy trì trong biên độ giao dịch hẹp. Theo các chuyên gia, báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ tháng 6 đã không tạo được nhiều đột biến tác động đến giá vàng.
Mặc dù Tổng thống Trump đang gia tăng áp lực lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhằm thúc đẩy cắt giảm lãi suất, nhưng thị trường vẫn thiếu một chất xúc tác đủ mạnh để giá vàng bứt phá.
Báo cáo NFP tháng 6 sát với kỳ vọng, cho thấy thị trường lao động vẫn tăng trưởng nhưng đang có dấu hiệu chậm lại. Giá vàng vì thế tiếp tục dao động trong vùng từ 3.165 – 3.437 USD/ounce, với áp lực lạm phát dai dẳng và các tín hiệu kinh tế yếu kém triệt tiêu lẫn nhau, khiến xu hướng thị trường trở nên mơ hồ.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS nhận định: “Dữ liệu việc làm mới nhất tại Mỹ cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, nhưng chưa dừng hẳn, do đó chưa gây áp lực buộc Fed phải cắt giảm lãi suất trong thời gian gần”.
Hiện tại, giá vàng vẫn đang trong trạng thái “án binh bất động”, khi thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát sắp công bố, đồng thời theo dõi sát diễn biến giữa Tổng thống Trump và Fed trong bối cảnh chính trị Mỹ đang nóng lên.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, ngân hàng HSBC đã nâng dự báo giá vàng trung bình năm 2025 lên mức 3.215 USD/ounce, từ mức dự báo trước là 3.015 USD/ounce. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh tăng lên 3.125 USD/ounce, thay vì mức 2.915 USD/ounce trước đó. Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ những rủi ro ngày càng tăng liên quan đến nợ công toàn cầu.
HSBC lưu ý thêm rằng, giá vàng thế giới thường có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị. Những yếu tố này đã từng đẩy giá vàng giao ngay lên mức kỷ lục 3.500,05 USD/ounce vào cuối tháng 4/2025.
Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng ngưỡng 3.000 USD/ounce vẫn là mức giá được nhà đầu tư ưa chuộng, và hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương thường chững lại khi giá vượt mức 3.300 USD/ounce.