Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 141 bị can trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ tại King Club (Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều - chi nhánh Hà Nội do Kim In Sung điều hành), đặt tại khách sạn Pullman.
Trong đó, cựu phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ, cựu bí thư thành ủy TP Hòa Bình cùng nhiều doanh nhân, công chức, người nước ngoài bị cáo buộc tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc với số tiền 2.600 tỷ đồng.
Khách sạn triệu đô trên nền lò gạch cũ
Kết quả điều tra xác định King Club có địa chỉ tại tầng 1 khách sạn Pullman thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư và Giải trí Việt Hải Đăng. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 4/2000, có trụ sở tại TPHCM.

Khách sạn Pullman - nơi diễn ra vụ đánh bạc nghìn tỷ - Ảnh: Pullman
Trong giấy đăng ký kinh doanh, ngành nghề hoạt động chính của Việt Hải Đăng là xổ số, cá cược và đánh bạc, cụ thể là cung cấp dịch vụ giải trí máy chơi điện tử có thưởng (máy giật xèng) cho khách hàng có hộ chiếu nước ngoài.
Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm người đại diện pháp luật của Việt Hải Đăng từ khi thành lập đến nay là ông Trần Văn Long (sinh năm 1959). Trong lần cập nhật gần nhất vào tháng 3/2024, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Còn khách sạn Pullman là một địa điểm nổi tiếng với chiếc ống khói mang tính chứng nhân lịch sử hơn 1 thế kỷ nằm giữa lòng Hà Nội. Ống khói này từng được coi là công trình cao nhất, đánh dấu thời điểm Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp đầu thế kỷ XX.
Công trình này thuộc nhà máy Gạch Tám Ngói do ông Nguyễn Văn Giệm (hay còn gọi là Năm Giệm) xây dựng.
Đến giai đoạn giữa những năm 1990, nhà máy này bị phá bỏ và phần đất được Công ty P.T. Global Metropolitan Development của Indonesia thuê để xây dựng khách sạn Hà Nội Horison.
Trong đồ án xây dựng khách sạn Hà Nội Horison, các nhà thiết kế từng có ý định phá huỷ chiếc ống khói của nhà máy gạch. Nhưng cuối cùng công trình "chứng tích lịch sử" này đã được giữ lại.

Chiếc ống khói của nhà máy gạch - "chứng tích lịch sử" thời bao cấp của Hà Nội - Ảnh: Pullman
Dù gắn liền với một trong những biểu tượng thời bao cấp của Hà Nội nhưng khách sạn Hà Nội Horison lại mang nhiều dấu ấn của đại gia Indonesia.
Hà Nội Horison thuộc sở hữu của liên doanh mang tên Global Toserco Limited. Liên doanh này được thành lập dựa trên sự hợp tác của chủ đầu tư PT Global Metropolitan (tập đoàn Ciputra, tập đoàn Metropolitan, tập đoàn Prasidha) và Công ty du lịch dịch vụ Hà Nội (Hà Nội Toserco).
Năm 1998, Hà Nội Horison đi vào hoạt động sau hơn 6 năm thi công xây dựng. Tới năm 2001, Hà Nội Horison rơi vào tình trạng thua lỗ.
Năm 2001 cũng là thời điểm “cha đẻ” của Hà Nội Horison ở Indonesia gặp khó khi nợ xấu trị giá 49 triệu USD tại khách sạn Horison Indonesia bị một ngân hàng Indonesia đấu giá. Nhưng may mắn hơn Daewoo, Hà Nội Horison không bị đổi chủ mà chỉ đổi tên.
Lúc bấy giờ, ông lớn trong làng khách sạn thế giới là Tập đoàn Kinh doanh Khách sạn Quốc tế Accor sau khi đạt được thỏa thuận quản lý khách sạn Hà Nội Horison, từ tháng 8/2009, đã lên kế hoạch nâng cấp khách sạn này và khẳng định vẫn giữ nơi đây như một địa điểm tổ chức nhiều sự kiện cho khách thương nhân và hội thảo.
Tập đoàn Accor đã đầu tư 15 triệu USD để nâng cấp Horison thành Pullman và duy trì tên gọi này đến ngày hôm nay.
Sau khi được nâng cấp toàn diện, khách sạn Horison mang tên mới là Pullman Hà Nội từ ngày 22/11/2012 và vẫn nằm trên “cái lò gạch cũ”.
Những người 'lao động tự do' bí ẩn trong King Club
Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ tại King Club, có hai người bị cáo buộc chi tiền đánh bạc nhiều nhất đều có nghề nghiệp "lao động tự do", người ít chơi cũng cả chục triệu USD, người nhiều nhất chơi số tiền lên đến 16,3 triệu USD.
Dữ liệu còn lưu trữ trên phần mềm Bino và camera tại Kinh Club cho thấy trong thời gian từ tháng 2 đến 6/2024 có 145 người Việt Nam đánh bạc nhiều lần tại King Club.

Bên trong câu lạc bộ đánh bạc thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang
"Luật ngầm" do nhóm Kim In Sung đặt ra, người Việt khi vào King Club phải xuất trình giấy tờ tùy thân, số điện thoại cho lễ tân. Sau đó lễ tân sẽ dùng phôi thẻ thành viên, dùng máy chuyên dụng in tên giả bằng tiếng nước ngoài cấp cho người chơi, chứ không dùng tên thật.
Từ đó nhóm cựu quan chức, doanh nhân, bác sĩ và rất nhiều người tự xưng làm nghề "lao động tự do" khi vào "sòng bạc" đều ngụy trang dưới những cái tên nước ngoài.
Bùi Văn Huynh có 34 lần vào "sòng bạc" ở King Club nhưng bị cáo buộc đánh bạc số tiền nhiều nhất trong 136 người bị truy tố ở tội danh này.
Cụ thể, tháng 7/2023, ông Huynh đến King Club mở thẻ với cái tên nước ngoài "Mr Calla", số ID là 102080.
Theo lý lịch ghi trong cáo trạng, ông Huynh có nghề nghiệp là "lao động tự do", trú tại tỉnh Hải Dương, còn nơi ở tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Còn theo kết luận điều tra được ban hành cuối tháng 5, ông có nghề nghiệp là nhân viên kỹ thuật xây dựng của một công ty.
Thế nhưng khi ngụy trang dưới cái tên "Mr Calla" bước vào "sòng bạc" King Club, chỉ trong một lần chơi nhiều nhất ông Huynh "nướng" vào đỏ đen số tiền lên đến 1,7 triệu USD (tương đương hơn 41 tỉ đồng". Lần ít nhất ông chơi số tiền 11.800 USD (tương đương 284 triệu đồng).
Dữ liệu ghi lại cho thấy cộng dồn tổng số tiền ông Huynh đánh bạc lên đến 16,3 triệu USD (tương đương hơn 420 tỉ đồng). Kết quả sau 34 lần sát phạt trong "sòng bạc" King Club, "Mr Calla" thua tổng số tiền 964.000 USD (tương đương hơn 23,2 tỉ đồng).
Giống như ông Huynh, ông Vũ Phong (53 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ghi làm nghề "lao động tự do". Nhưng khi bước vào "sòng bạc" King Club ông Phong ngụy trang dưới cái tên "Mr Tom".
Chỉ trong chưa đầy 5 tháng, ông Phong đã 100 lần đánh bạc tại King Club với hình thức tham gia các trò chơi điện tử có thưởng mang tên Slot và Baccarat.
Làm nghề "lao động tự do" nhưng tổng số tiền ông Phong bị cáo buộc đánh bạc lên tới 10,7 triệu USD (tương đương 280 tỉ đồng).
Số tiền "Mr Tom" đánh bạc nhiều thứ 2 trong số các bị can, chỉ sau ông Huynh. Thế nhưng theo dữ liệu ghi lại, số tiền ông Phong thua lại nhiều nhất, lên đến hơn 1,4 triệu USD (hơn 34 tỉ đồng).
Trước khi bị truy tố trong vụ án này, từ tháng 6-2024 ông Phong bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án khác để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, phần lý lịch trong cáo trạng nêu.

Cựu bí thư Thành ủy TP Hòa Bình Ngô Ngọc Đức và cựu phó chủ tịch Phú Thọ Hồ Đại Dũng (phải) bị truy tố với cáo buộc đánh bạc triệu đô
Cũng phải tuân theo "luật ngầm" của King Club, bà Vũ Thị Tuyết Mai (63 tuổi, nghề nghiệp kinh doanh) mở thẻ với cái tên nước ngoài "Mrs Joana".
Chỉ trong chưa đầy 5 tháng, dưới cái tên "Mrs Joana", bà Mai đã 67 lần đến "sòng bạc" ở tầng 1 khách sạn Pullman tham gia trò đỏ đen bằng hình thức chơi các trò Roulette và Baccarat.
Theo quy tắc trò chơi Roulette, sẽ có 8 hoặc 18 người tham gia đặt cược điểm để chọn các con số trong vòng xoay từ 0 - 36. Khi chơi, viên bi sẽ được bắn ra chạy quay trên vòng xoay và rơi vào một ô số bất kỳ. Tùy theo tỉ lệ, viên bi rơi trúng vào ô "con bạc" chọn thì sẽ được đổi ra điểm tương ứng, cáo trạng nêu.
Còn hai trò chơi Slot và Baccarat đều có cách thức đặt cược điểm vào các vị trí trên máy rồi nhấn nút để "đánh bạc với máy", vòng quay dừng ở vị trí nào thì sẽ theo quy ước đổi ra điểm rồi đổi ra tiền.
Tổng số tiền bà Mai bị cáo buộc đánh bạc lên đến 9,8 triệu USD (hơn 256 tỉ đồng). Trong đó lần mà "Mrs Joana" chi tiền nhiều nhất để sát phạt tại King Club lên đến 596.000 USD (tương đương hơn 14 tỉ đồng).
Kết quả sau 67 lần đánh bạc tại câu lạc bộ ở tầng 1 khách sạn Pullman, bà Mai thua số tiền 655.000 USD (tương đương 15,7 tỉ đồng).
VKSND Tối cao cáo buộc Kim In Sung có vai trò chính, đã cho 145 người Việt Nam vào King Club đánh bạc với tổng số tiền cộng dồn 106 triệu USD (khoảng 2.576 tỷ đồng). Kim In Sung thu lợi bất chính 9,2 triệu USD - khoảng 222 tỷ đồng từ tổng số tiền mà các bị can đã đánh bạc thua. Tuy nhiên, người này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam trước thời điểm vụ án được phát hiện nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã.
VKSND Tối cao truy tố 5 người về tội Tổ chức đánh bạc Cho Choo Keun, Shim Hawn Hee, Choi Jin Bok, Phan Trường Giang, Nguyễn Đình Lâm.
Trong 136 người bị truy tố tội Đánh bạc có nhiều doanh nhân, quan chức, công chức, ca sĩ, bác sĩ, luật sư. Trong đó có ông Hồ Đại Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũ; Ngô Ngọc Đức, cựu bí thư Thành ủy thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũ.
VKS xác định từ ngày 4/2/2024 đến 22/6/2024, ông Dũng đánh bạc 95 lần với tổng tiền hơn 7 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng). Lần chơi nhiều nhất của ông Dũng là hơn 331.000 USD (khoảng 7,9 tỷ đồng), lần ít nhất là 4.920 USD (118 triệu đồng). Sau các lần sát phạt, ông Dũng đã thua 759.269 USD (khoảng 18 tỷ đồng).
Hàng loạt doanh nhân
Trong số bị can bị truy tố về tội đánh bạc còn có hàng loạt doanh nhân như Nguyễn Thu Thủy (tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế kiểm định giao thông xây dựng và thi công xây lắp); Nguyễn Như Hoài (giám đốc Công ty Sài Gòn Express); Nguyễn Duy Toại (chủ tịch HĐQT Công ty CP Nguyên Hà Á Châu); Vũ Tuấn Anh (giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Thịnh Phát); Trần Mạnh Hùng (nguyên giám đốc Công ty TNHH Cavico); Đỗ Xuân Lập (tổng giám đốc Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt)...
Ngoài ra còn có các bị can Chu Đình Tuấn (bác sĩ), Nguyễn Hữu Liêm (luật sư), Lê Thế Chiến (nguyên phó tổng biên tập tạp chí), Vũ Ngọc Hà (ca sĩ)...
Ông Tạ Quốc Thịnh (nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Hùng Vương, Phú Thọ) ngụy trang với tên gọi "Mr John". Cựu nhà giáo này đã đánh bạc 53 lần tổng số tiền hơn 137.000 USD, thua 46.000 USD (1,2 tỷ đồng).