Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm sẽ tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2026

Trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, TS. Lê Đức Khánh cho rằng, bước sang nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều yếu tố hỗ trợ từ cả trong nước lẫn quốc tế.

Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm sẽ tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2026- Ảnh 1.

BTV Khánh Ly: Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đã gần đi qua nửa năm 2025, ông đánh giá như thế nào về thị trường trong nửa đầu năm nay?

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPS: Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một giai đoạn phục hồi và bứt phá ấn tượng. Bất chấp những biến động từ môi trường quốc tế như các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, khiến VN-Index đã có những giai đoạn điều chỉnh mạnh từ khu vực 1.340 điểm về mức thấp nhất ghi nhận 1.073 điểm, tuy nhiên thị trường trong nước vẫn thể hiện sức chống chịu tốt và nhanh chóng hồi phục. Chỉ số VN-Index đã chính thức vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.350 – 1.355 điểm, xác lập đỉnh mới trong ba năm trở lại đây và tiếp tục tiến dần đến các ngưỡng cao hơn, như vùng mục tiêu 1.380 – 1.400 điểm trong quý III. Diễn biến này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đang được cải thiện đáng kể, nhất là khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Một trong những điểm nổi bật của nửa đầu năm là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, nhưng đồng thời mở ra nhiều cơ hội đầu tư khi nhiều nhóm cổ phiếu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Các ngành có diễn biến tích cực bao gồm cảng biển, bất động sản, nông nghiệp và tài chính – những lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô hỗ trợ, sự cải thiện của dòng tiền và kỳ vọng về xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự quay lại mạnh mẽ của dòng tiền trong nước, đặc biệt là từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nội, cũng góp phần tạo lực đẩy đáng kể cho chỉ số chung.

Nhìn tổng thể, 6 tháng đầu năm 2025 đã chứng kiến một thị trường không chỉ khởi sắc về điểm số mà còn cho thấy sự thay đổi tích cực về tâm lý và chất lượng dòng tiền, mở ra kỳ vọng cho một chu kỳ tăng trưởng mới có tính bền vững hơn trong nửa cuối năm.

Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm sẽ tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2026- Ảnh 2.

Trong hai quý đầu năm nay nền kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực, vậy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay, theo dự báo liệu có khả quan thưa ông?

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định trong nửa đầu năm 2025, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá là khá khả quan và có sự phân hóa rõ nét theo từng nhóm ngành. Dù tăng trưởng GDP chưa hoàn toàn đạt được kỳ vọng đề ra, nhưng các chính sách điều hành linh hoạt từ Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh, đã tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của khối doanh nghiệp.

Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng tốt, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng và hạ tầng. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng trung – dài hạn của Việt Nam.

Đối với các nhóm ngành, các lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách và xu thế chuyển dịch toàn cầu bao gồm công nghệ, AI, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, hạ tầng, tài chính – bảo hiểm, logistics và bán lẻ. Đây đều là các lĩnh vực có kết quả kinh doanh nửa đầu năm ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong khi đó, bất động sản – ngành vốn chịu nhiều áp lực trong thời gian qua – cũng bắt đầu ghi nhận tín hiệu hồi phục tại một số phân khúc như nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp và các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh.

Nhìn chung, nửa đầu năm 2025 là giai đoạn mà các doanh nghiệp đang "làm lại sức" sau thời kỳ khó khăn, với nhiều tín hiệu khởi sắc từ nội tại hoạt động kinh doanh, môi trường chính sách và dòng vốn đầu tư. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng tốc trong nửa cuối năm.

Vậy bước sang hai quý còn lại của năm 2025, ông dự báo nền kinh tế vĩ mô sẽ diễn biến ra sao?

Bước sang nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều yếu tố hỗ trợ từ cả trong nước lẫn quốc tế. Trên bình diện toàn cầu, những bất ổn từng khiến thị trường tài chính, hàng hóa biến động mạnh như xung đột ở Trung Đông hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang dần lắng dịu. Đồng thời, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào quý IV/2025 là tín hiệu rất tích cực, không chỉ cho thị trường tài chính toàn cầu mà còn giúp giảm áp lực lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.

Trong nước, 2025 là năm then chốt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025, với tổng vốn giải ngân lên tới 791.000 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc liên vùng, cũng như các chương trình phát triển năng lượng thế hệ mới đang được Chính phủ tập trung triển khai. Song song, chính sách giảm 2% thuế VAT kéo dài đến hết năm 2026 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã từ ngày 1/7/2025 không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính mà còn góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại địa phương, yếu tố thiết yếu trong thúc đẩy tăng trưởng thực chất.

Với những yếu tố kể trên, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2025 có nhiều cơ sở để tiếp tục duy trì đà phục hồi, thậm chí tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2026.

Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm sẽ tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2026- Ảnh 3.

Với những phân tích ở trên thì thị trường chứng khoán qua đó được dự báo diễn biến như thế nào trong nửa cuối năm 2025?

Dựa trên bức tranh vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và mở rộng dư địa tăng trưởng trong các tháng tới. Sau khi vượt mốc 1.350 điểm, chỉ số VN Index đang trên hành trình hướng tới các vùng mục tiêu cao hơn, cụ thể là quanh ngưỡng 1.400 – 1.450 điểm.

Các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng này bao gồm triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cải thiện trong tăng trưởng kinh tế, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ – Việt có nhiều điểm sáng và kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Trên phương diện ngành nghề, các nhóm được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường gồm tài chính – chứng khoán, bảo hiểm, cảng biển – logistics, xây dựng – vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may và bán lẻ tiêu dùng. Đây là những ngành đang hội tụ cả yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô lẫn nội lực doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhóm ngành tài chính tiếp tục là tâm điểm khi được hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường vốn, dòng tiền đổ vào mạnh mẽ cùng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới. Nhóm cảng biển và logistics cũng đáng chú ý trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng đang gia tăng vai trò của Việt Nam trong bản đồ thương mại toàn cầu. Nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán nửa cuối năm đang có nhiều "gió thuận", nhưng sự phân hóa theo nhóm ngành và từng cổ phiếu sẽ ngày càng rõ nét, đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chọn lọc và quản trị rủi ro phù hợp.

Chiến lược đầu tư trong 6 tháng còn lại của năm 2025 của nhà đầu tư nên như thế nào theo ông?

Trong bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi, chiến lược đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2025 cần được xây dựng trên nguyên tắc linh hoạt và kết hợp giữa đầu tư giá trị và tăng trưởng. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nên ưu tiên tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, định giá vẫn còn thấp so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt là ở các ngành được hỗ trợ bởi chính sách vĩ mô như hạ tầng, tài chính, công nghệ, và tiêu dùng.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần sẵn sàng cơ cấu danh mục khi thị trường có các nhịp tăng mạnh nhằm tối ưu hóa tỷ trọng và kiểm soát rủi ro. Về ngắn hạn, cơ hội sẽ đến từ các cổ phiếu có thanh khoản tốt, có sóng tăng giá nhờ yếu tố kết quả kinh doanh, tin tức hỗ trợ hoặc dòng tiền quay lại. Những mã cổ phiếu thuộc nhóm tài chính, chứng khoán, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may hoặc những cổ phiếu có chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh nên được ưu tiên theo dõi. Mặt khác, nhà đầu tư cần giữ vững nguyên tắc quản trị rủi ro, tránh mua đuổi khi thị trường đã tăng nóng. Tốt nhất, nhà đầu tư nên có chiến lược giải ngân từng phần, theo dõi sát nhịp điều chỉnh để tối ưu hóa điểm mua. Trong một thị trường phân hóa, khả năng chọn lọc cổ phiếu và tính kỷ luật trong giao dịch sẽ là yếu tố quyết định thành công trong nửa cuối năm 2025.