Sáng 19/4, dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chính thức được khánh thành sau hơn 2 năm triển khai.
Nhà ga T3 là công trình trọng điểm quốc gia, với 3 hạng mục chính gồm nhà ga hành khách; nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga; tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng (nguồn vốn được huy động từ ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).

Nhà ga có 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Ga T3 được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách, 6 đảo băng chuyền hành lý đi và 10 đảo băng chuyền hành lý đến. Ga T3 đáp ứng công suất 20 triệu hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E.
Điểm nhấn đặc biệt của T3 là ứng dụng công nghệ sinh trắc học toàn trình, cho phép hành khách đặt vé, làm thủ tục check-in và lên máy bay chỉ bằng nhận diện khuôn mặt thông qua ứng dụng VNeID, tích hợp với hệ thống của các hãng hàng không như Vietnam Airlines và Vietjet...

Tại buổi lễ khánh thành nhà ga T3, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương ACV cùng các bộ, ngành liên quan trong nỗ lực vượt tiến độ trước 2 tháng, đưa nhà ga T3 chính thức đi vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
"Thắng lợi của nhà ga T3 sẽ tác động tích cực đến sân bay Long Thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2025, tạo nên kỳ tích của các chủ thể liên quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các đơn vị vận hành cần nhanh chóng khắc phục mọi trục trặc ngay khi phát sinh.
"Mọi hệ thống mới đều có giai đoạn chạy thử và độ trễ nhất định. Phải vận hành mới có phát sinh. Quan trọng là chúng ta xử lý kịp thời, đảm bảo hành khách luôn cảm thấy thoải mái, hứng khởi", Thủ tướng khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - chủ tịch HĐQT Vietjet chia sẻ tại buổi lễ: "Hôm nay, tôi rất phấn khởi chứng kiến khánh thành nhà ga T3 mà Thủ tướng mới đi thị sát vào mùng 4 Tết. Và giờ đây với sự kiện triển khai ứng dụng định danh sinh trắc học làm thủ tục chuyến bay. Một dấu mốc trong hành trình hiện đại hóa hạ tầng hàng không quốc gia, đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – không chỉ là sự đổi mới trong dịch vụ hành khách, mà là minh chứng cho khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ, logistics và hàng không thông minh trong khu vực và thế giới.
Hãng hàng không Vietjet rất vinh dự và tự hào được tham gia cùng ứng dụng VNeID trong dự án đầy ý nghĩa này. Hôm nay, những hành khách đầu tiên trải nghiệm sinh trắc học toàn trình – làm thủ tục bằng khuôn mặt nhờ tích hợp giữa ứng dụng Vietjet, VNeID và hệ thống nhận diện sinh trắc học tại sân bay.
Và ngay tới đây VNeID sẽ triển khai hành trình đặt mua vé, làm thủ tục sân bay hoàn toàn liền mạch bằng nhận diện sinh trắc học.
Với lượng khách qua các cảng sân bay 109 triệu khách, giải pháp này không chỉ mang tính cách mạng về trải nghiệm hành khách, mà còn giúp rút ngắn hàng triệu giờ làm thủ tục mỗi năm, mang tới giá trị kinh tế lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng/năm cho nền kinh tế.
Với định danh điện tử (eKYC), sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa hành trình – Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, không chỉ bắt kịp thế giới mà còn có cơ hội dẫn đầu. Hãng hàng không Vietjet tự hào đã tham gia những sáng kiến công nghệ, trong đó có giải pháp điều phối tối ưu luồng cất/hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, giúp tăng năng lực lý thuyết từ 30 lên 60 chuyến/giờ, hiện vận hành ổn định ở mức 45 chuyến/giờ – tăng năng lực thông qua thêm 15–17 triệu lượt khách mỗi năm và mang tới giá trị kinh tế hàng nghìn tỷ đồng cho hệ sinh thái hàng không như ACV.