Mỹ 'chốt đơn' gần 2 tỷ USD cho một mặt hàng của Việt Nam: Nước ta là á quân xuất khẩu của thế giới, hơn 150 quốc gia đặt gạch mua hàng

Đây là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 1 đã thu về 1,9 tỷ USD, tăng mạnh 21,2% so với tháng trước. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 5,3 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này với hơn 1,97 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 trong số các thị trường là Hà Lan với kim ngạch đạt hơn 417 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đứng thứ 3 với kim ngạch đạt hơn 394 triệu USD, tuy nhiên giảm 12% so với quý 1/2024.

Mỹ 'chốt đơn' gần 2 tỷ USD cho một mặt hàng của Việt Nam: Nước ta là á quân xuất khẩu của thế giới, hơn 150 quốc gia đặt gạch mua hàng- Ảnh 1.

Năm 2024, ngành da giày Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng ngày càng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp trong ngành đã vượt qua mọi khó khăn và đạt được những thành tựu đáng kể. Trong năm 2024, xuất khẩu da giày Việt Nam đạt 26,8 tỷ USD, trong đó giày dép chiếm 22,5 tỷ USD và túi xách đạt 4,3 tỷ USD. Những con số ấn tượng này thể hiện sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của ngành sau những biến động kinh tế toàn cầu.

Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Bước sang năm 2025, ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu đạt 29 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, hướng đến sự phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp ngành Da giày - túi xách là điều kiện quan trọng nhất trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Dự báo, đơn hàng xuất khẩu có xu hướng ổn định, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần đối mặt với một số thách thức lớn như:

Yêu cầu cao từ thị trường quốc tế: Tiêu chuẩn về nguồn gốc nguyên liệu, lao động và sản xuất xanh ngày càng khắt khe. Chi phí logistics gia tăng: Việc vận chuyển hàng hóa chịu tác động lớn từ chi phí nhiên liệu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cạnh tranh khốc liệt: Nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh vào ngành da giày, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á.