Nghịch lý doanh thu giảm lợi nhuận kỷ lục ở MBS

Trong quý I/2025, MBS ghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại tăng tới 47% và đạt kỷ lục nhờ tiết giảm chi phí.

CTCP Chứng khoán MB (HoSE: MBS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu hoạt động 668,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Lãi tài sản ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) là nguyên nhân chính kéo đà giảm với 126,6 tỷ đồng, thu hẹp 9% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới cũng ghi nhận giảm 28% về còn gần 133,5 tỷ đồng.

Song lãi từ khoản đầu tư chờ tới ngày đáo hạn (HTM) lại tăng tới 49% lên 68,6 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32% lên 40 tỷ đồng. Trong kỳ, lãi từ các khoản cho vay cũng tăng 7% lên 277 tỷ đồng.

Dù doanh thu chững lại, nhưng trong kỳ công ty thực hiện tiết giảm 59% chi phí hoạt động xuống còn 107,7 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lỗ tài sản chính FVTPL giảm 47% xuống gần 54 tỷ đồng và chi phí môi giới chứng khoán giảm 14% xuống 117,5 tỷ đồng.

Nhờ vậy, MBS báo lãi sau thuế quý I đạt 269 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2024. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi hoạt động.

Năm 2025, MBS đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tăng tới 40% so với thực hiện năm trước. Sau 3 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận.

Thách thức trước mục tiêu tăng trưởng 40% lợi nhuận của MBS

Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Phạm Thế Anh – Thành viên HĐQT độc lập MBS cho biết, kế hoạch kinh doanh năm nay là mục tiêu thách thức bởi mức tăng trưởng lợi nhuận 40% của công ty nằm trong top đầu những công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025.

Ông Thế Anh nhận định, thị trường chứng khoán dù ảnh hưởng bởi nhiều diễn biến vĩ mô song có những điều kiện tích cực. Với hoạt động dựa vào thị phần và nguồn thu từ hoạt động môi giới và ký quỹ, công ty có nhiều thuận lợi khi lượng giao dịch tăng mạnh trong giai đoạn thị trường biến động mạnh.

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của MBS tăng nhẹ so với đầu năm lên 22.409 tỷ đồng. Quy mô cho vay ký quỹ (margin) chiếm tỉ trọng lớn nhất với gần 11.442 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm.

Nghịch lý doanh thu giảm lợi nhuận kỷ lục ở MBS- Ảnh 1.

Quy mô cho vay ký quỹ (margin) của MBS ở mức 11.442 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm.

Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng mở rộng 30% so với đầu năm lên 2.556,7 tỷ đồng, chủ yếu là giấy tờ có giá khác 1.162 tỷ đồng, trái phiếu 901 tỷ đồng và cổ phiếu 447,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, MBS thu hẹp 43% giá trị tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) còn 1.527 tỷ đồng; chủ yếu là trái phiếu với giá trị gốc 1.359 tỷ đồng và gần 168 tỷ đồng cổ phiếu.

Cuối quý I/2025, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của MBS ở mức 13.112 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó phần lớn là vay ngắn hạn tổ chức tín dụng 10.177 tỷ đồng và hơn 2.935 tỷ đồng vay ngắn hạn các đối tượng khác. 

Các khoản vay ngắn hạn ngân hàng có thời hạn từ 7 ngày đến 12 tháng với lãi suất từ 3,3 - 6,1%/năm cho mục đích bổ sung vốn lưu động cho công ty.