Nhóm cựu lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận nhận hối lộ hơn 7 tỷ đồng của Tập đoàn Tuấn Ân

Bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân, bị cáo buộc chi tiền ngoài hợp đồng 5 - 6% cho nhóm cựu lãnh đạo Công Điện lực Bình Thuận, để được trúng hàng chục gói thầu cung cấp thiết bị, gây thiệt hại ngân sách.

Hối lộ để được trúng thầu cung cấp thiết bị

Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị viện kiểm sát truy tố bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân) về các tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

4 bị can Trần Ngọc Linh, cựu Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Thành Ngôn, cựu Giám đốc; Trương Tấn Đạt, cựu Phó giám đốc; Lê Quang Nghĩa, cựu Trưởng Phòng Kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Ngoài ra, 20 bị can khác đều là lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Tuấn Ân, các đơn vị liên quan bị đề nghị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; “In, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

Nhóm cựu lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận nhận hối lộ hơn 7 tỷ đồng của Tập đoàn Tuấn Ân- Ảnh 1.

Bị can Huỳnh Tuấn Ân.

Theo kết luận, Tập đoàn Tuấn Ân thành lập năm 2009 tại tỉnh Long An với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là bị can Ân cùng 2 con gái của ông ta. Tập đoàn này có 2 nhà máy tại huyện Bình Chánh (TP HCM) và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Các sản phẩm sản xuất chính của doanh nghiệp là máy cắt hạ thế, dây chỉ trung thế, dao cách ly đường dây, chụp cách điện Polymer, ống nối chịu lực, đầu cosse…

Các nhà máy trên hoạt động lâu năm nhưng phải đến 2016 Tập đoàn Tuấn Ân mới cung cấp thiết bị cho Công ty Điện lực Bình Thuận với số lượng ít, giá trị nhỏ.

Cuối năm 2016, bị can Huỳnh Tuấn Ân chủ động gặp, đề nghị bị can Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, nhờ tạo điều kiện cho trúng các gói thầu cung cấp thiết bị. Đồng thời, cam kết sẽ "chi tiền ngoài hợp đồng từ 5-6%”.

Kết luận điều tra cho rằng, từ thỏa thuận trên, Tập đoàn Tuấn Ân trúng 26 gói thầu tại Điện lực Bình Thuận gây thiệt hại hơn 49 tỷ đồng.

Để trúng thầu, bị can Huỳnh Tuấn Ân chi tiền hối lộ bị can Linh và các lãnh đạo, cán bộ tại Công ty Bình Thuận. Cụ thể, quá trình chỉ đạo Tập đoàn Tuấn Ân và các đơn vị thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh, Huỳnh Tuấn Ân ban hành Quy chế quản trị hàng năm, trong đó có chính sách bán hàng, khuyến khích các Công ty thành viên trao đổi, thỏa thuận với khách hàng là các Công ty Điện lực về tỷ lệ chi tiền ngoài hợp đồng để hỗ trợ, tạo điều kiện Công ty của Tuấn Ân được trúng thầu.

Nhóm cựu lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận nhận hối lộ hơn 7 tỷ đồng của Tập đoàn Tuấn Ân- Ảnh 2.

Các bị can Trần Ngọc Linh; Nguyễn Thành Ngôn; Trương Tấn Đạt; Lê Quang Nghĩa; Tạ Thúc Thông (từ trái qua phải).

Tại Điều 49 Quy chế thể hiện “Công ty thành viên lập duyệt giá, thỏa thuận chiết khẩu và hoa hồng với khách hàng, xác định giá bảo đảm bảo lợi nhuận mục tiêu. Ban Giám đốc Công ty thành viên được quyền quyết định duyệt giá chào thầu theo các mức chiết khẩu, lợi nhuận theo phân quyền nhưng phải báo cáo cho Ban kinh doanh trong vòng 24h để kiểm soát”.

Ngoài ra, Tập đoàn Tuấn Ân cũng quy định mức chi tiền ngoài hợp đồng theo tỷ lệ do bị can Ân ban hành quyết định chỉ đạo tỷ lệ chi tiền ngoài hợp đồng từ Tổng giám đốc đến Giám đốc các công ty thành viên để yêu cầu thực hiện.

Với quy chế nêu trên, Tập đoàn Tuấn Ân thỏa thuận tiền hối lộ cho các cựu lãnh đạo, cán bộ Công ty Điện lực Bình Thuận để được trúng thầu sai quy định.

Theo đó, bị can Trần Ngọc Linh nhận tổng số tiền 2,3 tỷ đồng trong 5 lần; bị can Nguyễn Thành Ngôn nhận tổng số 1,3 tỷ đồng trong; Trương Tấn Đạt nhận tổng số tiền 4,1 tỷ đồng; Lê Quang Nghĩa nhận tổng số tiền 460 triệu đồng.

Gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ngân sách

Với hành vi hối lộ, Tập đoàn Tuấn Ân đã trúng thầu cung cấp số thiết bị trị giá hơn 47 tỷ đồng cho Công ty Điện lực Bình Thuận nhưng được thanh toán tới hơn 97 tỷ đồng, qua đó, gây thiệt hại hơn 49 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kết quả điều tra còn xác định Tập đoàn Tuấn Ân có 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất - phân phối - kinh doanh. Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện phương thức, thủ đoạn nâng giá.

Cụ thể, giá vốn các mặt hàng được ấn định 10% lợi nhuận (giá gốc +10%); Trước khi bán cho Công ty Điện Bình Thuận và các khách hàng khác, Công ty Tuấn Ân Long An phải bán qua đại lý của Tập đoàn Tuấn Ân và được kê giá tiếp từ 20 - 40%, sau đó mới tới tay đơn vị mua theo giá trúng thầu.

Từ việc kê giá theo phương thức trên, Tập đoàn Tuấn Ân thu một khoản lợi nhuận rất cao, trung bình hơn 40%, riêng 26 gói thầu tại Công ty Điện lực Bình Thuận có lợi nhuận 45%.

Nếu hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán thuế, thì Tập đoàn Tuấn Ân sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, bị can Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo cấp dưới lập 2 hệ thống kế toán, một để theo dõi doanh thu thực tế và một để khai báo nộp thuế.

Từ chỉ đạo lập hai hệ thống kế toán, cơ quan điều tra xác định, Tập đoàn Tuấn Ân gây thiệt hại về thuế hơn 156 tỷ đồng, gồm thuế GTGT hơn 48,3 tỷ và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 107 tỷ đồng.

Góp sức cho gây thiệt hại tiền thuế như trên là việc Tập đoàn Tuấn Ân mua bán 1.163 hóa đơn khống của 11 công ty, trị giá 544 tỷ đồng.