Tập đoàn Trung Quốc có doanh thu hơn 76 tỷ USD muốn tham gia xây dựng hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam

Công trình này dự kiến có tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Trung Quốc có doanh thu hơn 76 tỷ USD muốn tham gia xây dựng hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Dự án hầm vượt biển dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Ảnh: ĐVTK

Đây là Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc).

Vào ngày 10/7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương về kết quả của nghiên cứu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trên cơ sở kết quả làm việc của cuộc gặp trước đó vào tháng 12/2024, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã nghiên cứu và đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 - 2030.

Về hình thức đầu tư, tập đoàn sẽ tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu phương án, hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu đầu tư và quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong trường hợp dự án được triển khai theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao), tập đoàn đề xuất được nghiên cứu tổng thể quy hoạch khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục.

Ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình nghiên cứu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ông khẳng định, dựa trên tiềm năng và cơ hội phát triển của Quảng Ninh, tập đoàn xác định đây sẽ là địa bàn đầu tư trọng điểm trong thời gian tới.

Đặc biệt, để thúc đẩy tiến độ, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã mở văn phòng đại diện ở Quảng Ninh để thúc đẩy việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Tập đoàn Trung Quốc có doanh thu hơn 76 tỷ USD muốn tham gia xây dựng hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TC

Sau khi nghe chia sẻ của ông Nghiêm Giới Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng khẳng định rằng, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ tập đoàn hoàn tất các thủ tục liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Sở Tài chính làm đầu mối phối hợp với tập đoàn, đảm bảo các thủ tục chuẩn bị được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, ông bày tỏ kỳ vọng Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương với kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, sẽ nghiên cứu tổng thể và định hình một khu đô thị thông minh, hiện đại, sinh thái tại khu vực phía bắc vịnh Cửa Lục, tạo thêm động lực phát triển cho tỉnh.

Dự án hầm vượt biển có thể chịu được động đất

Tập đoàn Trung Quốc có doanh thu hơn 76 tỷ USD muốn tham gia xây dựng hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Theo thiết kế, hầm vượt biển cho phép xe lưu thông với tốc độ tối đa 60 km/h. Ảnh: ĐVTK

Trên thực tế, dự án hầm xuyên vịnh Cửa Lục được định hướng trở thành công trình biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu áp dụng công nghệ và kỹ thuật cao. Cụ thể, theo thiết kế, hầm dài khoảng 2.750 m, trong đó phần hầm dài 2.140m (gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn), quy mô hầm có 6 làn xe, nằm song song với cầu Bãi Cháy và xây dựng dưới đáy biển, cách mặt nước không quá 17 m.

Hầm vượt biển cho phép xe lưu thông với tốc độ tối đa 60 km/h, chịu được động đất tới 6 độ Richter và sẽ trở thành hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành.

Trước đó, dự án này được tỉnh Quảng Ninh lên kế hoạch khởi công từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2025. Thế nhưng do phải ưu tiên nguồn lực cho các công trình khác nên dự án đã tạm dừng. Sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương được thành lập vào năm 1986. Đây là một trong hai doanh nghiệp trực thuộc Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm. Tập đoàn này nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực hạ tầng như cao tốc, đô thị, thủy lợi và kiến trúc. Doanh thu của tập đoàn này trong năm 2024 đạt 76,433 tỷ USD.

Tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã mở Văn phòng đại diện từ tháng 4/2019 và thành lập Công ty TNHH Xây dựng Pacific Việt Nam vào tháng 9 cùng năm, với vốn điều lệ 500 triệu USD.

Đáng chú ý, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).