Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tàu bay Trung Quốc hỗ trợ DN Việt Nam phát triển đội bay, tiến tới sản xuất linh kiện, chế tạo máy bay

Gần đây, Hãng hàng không Vietjet Air vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay đến Côn Đảo từ tháng 4/2025 bằng tàu bay Comac ARJ21.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tàu bay Trung Quốc hỗ trợ DN Việt Nam phát triển đội bay, tiến tới sản xuất linh kiện, chế tạo máy bay- Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trưa 14/4, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp ông Hà Đông Phong, Chủ tịch Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang thăm, làm việc tại Việt Nam, và đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế hàng không và khai thác, phát triển không gian vũ trụ.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển đội tàu bay, mở rộng các đường bay; tiến tới sản xuất các linh kiện, chế tạo máy bay, phát triển hệ sinh thái ngành hàng không, kinh tế hàng không, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác không gian vũ trụ của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị cùng với hợp tác mua, thuê, thuê mua máy bay, COMAC hợp tác với các đối tác đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.

Chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển của COMAC, Chủ tịch COMAC Hà Đông Phong cho biết, chỉ sau 17 năm, đến nay COMAC đã trở thành nhà sản xuất máy bay lớn, có uy tín.

Chủ tịch COMAC khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch COMAC mong muốn Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo các đối tác Việt Nam mở rộng quy mô hợp tác với COMAC, không chỉ phát triển vận tải hàng không mà hướng đến phát triển công nghiệp hàng không tại Việt Nam.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) là công ty thuộc sở hữu nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 11/5/2008 có trụ sở chính tại Thượng Hải (Headquarter) với tổng cộng hơn 21.000 nhân viên bao gồm 6 Trung tâm chính liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm bay, dịch vụ khách hàng, huấn luyện đào tạo và trên 10 đơn vị hoạt động khác trong lãnh thổ Trung Quốc và nước ngoài.

Gần đây, Hãng hàng không Vietjet Air vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay đến Côn Đảo từ tháng 4/2025 bằng tàu bay Comac ARJ21.

Tháng 3/2025, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về khảo sát tiêu chuẩn thiết kế chế tạo tàu bay COMAC C909.

Theo đó, từ ngày 15 - 24/1/2025, CAAV đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải - Trung Quốc để khảo sát, tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại tàu bay ARJ21- 700 (C909).

Qua quá trình tìm hiểu hệ thống cấp chứng nhận tàu bay của CAAC và qua các hệ thống tài liệu thu thập được, CAAV đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ (minor) liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên tàu bay.

Việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở cho việc tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, khó khăn trong việc mở rộng đội bay, đường bay và tạo một dư địa, động lực phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam, theo CAAV.

Tính đến ngày 07/01/2025, COMAC đã cung cấp 160 tàu bay C909 ra thị trường. Các hãng hàng không đang khai thác tàu bay C909 bao gồm: của Trung Quốc (Chengdu Airlines 30 tàu bay, China Southern 33 tàu bay, Air China 33 tàu bay, China Eastern 26 tàu bay, China Express 11 tàu bay, Genghis Khan Airlines 7 tàu bay, COMAC Express 6 tàu bay, Jiangxi Air 5 tàu bay, China Flight General Aviation 2 tàu bay, YTO Cargo 1 tàu bay, Longhao Airlines 1 tàu bay) và của Indonesia (TransNusa 3 tàu bay).