Thực hư lương nhân viên công ty bảo hiểm hơn 100 triệu/tháng?

Một số thông tin gần đây phản ánh thu nhập trung bình của nhân viên các công ty bảo hiểm có thể lên đến hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, tương đương một lượng vàng. Vậy con số này có thực sự "trong mơ", hay tạo ra những chuyện dở khóc dở cười cho chính người trong cuộc.

Hàng chục tin nhắn hỏi thăm

Kể từ khi thông tin này xuất hiện vài ngày trước, anh Hoàng Minh Quân, nhân viên một công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài, liên tục nhận tin nhắn từ bạn bè: "Lương cao vậy chắc đi ăn không cần chia tiền nữa đâu nhỉ?". Mới đây, trong một cuộc gặp với khách hàng, anh còn bị chính vị khách của mình hỏi: "Có phải tiền bảo hiểm của khách đóng phần lớn để trả lương cho nhân viên không?". Câu hỏi khiến anh phải dành hơn nửa thời gian cuộc gặp để giải thích rõ cho khách hàng.

Chị Tô Thị Hồng, nhân viên một công ty bảo hiểm khác kể, sau khi thông tin này chia sẻ, bạn chị nhắn tin hỏi: "Lương trăm triệu sao không tìm trường quốc tế cho con học?". Chỉ trong một ngày, chị Hồng nhận được hàng chục câu hỏi tương tự. Chị cho biết đây là cách họ tự tính theo kiểu bình quân, cào bằng, chứ không phải thực tế. Hiện, chị vẫn đang gồng gánh nhiều khoản chi phí cố định mỗi tháng.

Theo các chuyên gia nhân sự, việc tính "thu nhập trung bình" bằng cách lấy tổng chi phí lương thưởng và các phúc lợi khác chia cho tổng số nhân viên chính thức theo số trong báo cáo tài chính, là phép tính không phản ánh đúng thực tế. Nguyên nhân là bởi con số tổng chi phí trên không chỉ được dùng chi trả cho số nhân viên chính thức mà còn chi trả cho nhân viên không chính thức (nhân viên thời vụ, nhân viên hợp đồng, v.v). Đồng thời, chi phí này không chỉ là lương cơ bản mà còn bao gồm nhiều khoản phúc lợi khác như thưởng cuối năm, thưởng vào các dịp lễ tết, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xã hội, du lịch nội bộ, chi phí đào tạo, trợ cấp… Điều này dẫn đến việc con số thu nhập trung bình bị đẩy lên rất cao.

"Đọc cho vui"

Anh Lê Quang Phúc, chuyên viên phân tích dữ liệu tại một công ty fintech, cho biết: "Cách tính trung bình này có thể phù hợp về mặt thống kê nhưng lại dễ gây hiểu nhầm nếu không hiểu rõ cách nó được tạo ra. Đó là lý do trong phân tích dữ liệu, người ta thường phải đi kèm nhiều chỉ số như độ lệch chuẩn, biểu đồ phân phối, hoặc các yếu tố ảnh hưởng khác để có cái nhìn đúng hơn về tổng thể."

Cách tính này cũng khiến không ít doanh nghiệp bảo hiểm gặp tình huống dở khóc dở cười chỉ vì những con số "đẹp" trên trời rơi xuống. Một trưởng nhóm nhân sự tiết lộ, từng có nhân viên trực tiếp hỏi rằng "lương em sao khác xa thông tin trên mạng", thậm chí nghi ngờ công ty đang "ép lương" nhân viên.

Thực hư lương nhân viên công ty bảo hiểm hơn 100 triệu/tháng?- Ảnh 1.

Hình minh họa

"Thống kê là công cụ phổ biến, nhưng nếu không dùng đúng cách, nó dễ trở thành con dao hai lưỡi," anh Phúc chia sẻ. "Một con số nghe rất hấp dẫn, nhưng nếu không giải thích cặn kẽ, lại dễ khiến dư luận hiểu sai, dẫn đến những hậu quả không đáng có. Với các ngành như tài chính - bảo hiểm, việc dùng một con số trung bình để đánh giá thu nhập cá nhân không chỉ thiếu thực tế, mà còn dễ tạo ra những bàn tán không cần thiết, anh giải thích thêm.

Có thể thấy, những số liệu này có thể gây tò mò nhưng chúng không phản ánh hết câu chuyện, đặc biệt là trong một ngành có cơ cấu chi phí đa dạng như bảo hiểm. Do đó, việc tính toán mức lương trung bình như trên chỉ nên "nghe cho vui". Xét về mặt nhân sự, ngoài mức lương, người lao động cần quan tâm thêm các yếu tố khác như cơ hội thăng tiến, khả năng phát triển, môi trường làm việc…