Trong báo cáo thường niên của Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) mới công bố, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ rằng HPG đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.
Theo đó, Hòa Phát tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 trong năm 2025, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Tập đoàn định hướng phát triển các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, tối ưu hóa giá trị chuỗi sản xuất khép kín. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm.
Vị Chủ tịch cũng cho biết, chiến lược của Hòa Phát là chú trọng đầu tư sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, sản xuất theo sát diễn biến thị trường, tối ưu hóa chi phí từ tất cả các khâu.
Trước đó trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đạt hơn 140.000 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận ròng trên 12.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 77% so với năm 2023. Lĩnh vực Thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 93% và 86% của toàn công ty.
Mặt khác, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 4,6 lần so với 2023. Hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng với 31% doanh thu toàn công ty. Trong đó, sản lượng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao và HRC của Hòa Phát đạt 2,63 triệu tấn.
Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát rất đa dạng với trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, các nước Châu Âu…. Hoạt động xuất khẩu giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Cũng trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2024 đạt gần 13.500 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử 32 năm hoạt động và tăng 48% so với 2023.
"Tập đoàn cam kết giai đoạn 2025 - 2030 sẽ duy trì mức tăng trưởng không dưới 15% mỗi năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam", ông Trần Đình Long nêu rõ.
Ở một diễn biến liên quan, ngày 17/4, Hòa Phát sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. ĐHCĐ năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, ngành thép Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng đang phải đối mặt với “ma trận” chống bán phá giá.
Hòa Phát trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với thực hiện năm ngoái, và là mức cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp này. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thực hiện năm 2024.
