Việt Nam cần ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Mỹ ra sao?
Ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc cho biết, Việt Nam đã trải qua những lần thương chiến, lần này chúng ta cần phải bình tĩnh. Theo chuyên gia, Việt Nam cần nhìn lại mô hình xuất khẩu hiện tại, vốn phụ thuộc nhiều vào FDI, trong khi đó chúng ta phải đánh đổi nhiều lợi ích.
Ông Phạm Sỹ Thành gợi ý, trong bối cảnh các bất ổn thị trường xuất khẩu vẫn còn trong dài hạn, Việt Nam cần xây dựng các ngành xuất khẩu bền vững trong tương lai. “Bởi, trong 10 năm tới, những va chạm như vậy vẫn tiếp tục xảy ra, Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ giành nhau vị trí số một”, vị chuyên gia giải thích.
“Về sự thay đổi trong thời gian tới, đầu tiên chúng ta phải thích nghi, sau đó dẫn dắt sự thay đổi. Việt Nam hiện là một trong 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, do vậy trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải ứng xử như một nước lớn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy đưa ra thông điệp.
Ông Nguyễn Quang Huy cũng đề xuất bốn trụ cột cần thay đổi. Thứ nhất, Việt Nam cần chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyên gia đề xuất Việt Nam cần chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
“Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công”, chuyên gia nhấn mạnh. Ông cho biết, các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng để thành công trong quá trình chuyển đổi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy (Ảnh: Tiền Phong)
Các doanh nghiệp cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ
Nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phải tự vận động và đưa ra giải pháp cụ thể với khách hàng.
Tập đoàn Dệt may đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước.
Việt Nam cần nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay. Bởi lẽ, sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa thể hồi phục đã bị cắt room tín dụng, khiến họ không có vốn quay lại sản xuất.

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) (Ảnh: Tiền Phong)
Cũng nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết: “Kịch bản có thể tháo gỡ hay đi theo hướng xấu nhất, đây cũng là bài học để cho các doanh nghiệp tỉnh giấc, không thể bỏ trứng vào một giỏ”.
Bà Lê Hằng cho hay, trước tình hình của thị trường, doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường khơi thông, gỡ các rào cản về kỹ thuật. Hiệp hội rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như: EU, Trung Đông…
Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng đề xuất, Chính phủ cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác, nhằm tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn.
“Chúng tôi đánh giá cao về chính sách thuế và rất mong chính sách thuế mới sớm được đưa vào thực thi nhanh nhất đặc biệt là về hoàn thuế, giãn thuế... Bên cạnh đó cần nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay”, bà Lê Hằng nói.